Mặc dù có những hợp đồng bancassurace độc quyền với các ông lớn ngân hàng như Agribank, Vietcombank, FWD vẫn ghi nhận kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp.
FWD ghi nhận lỗ gần 1.700 tỷ đồng trước thuế năm 2022
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ FWD Việt Nam, lợi nhuận trước thuế ghi nhận lỗ 1.684 tỷ đồng, lỗ nhiều hơn so với năm trước khi năm 2021 công ty lỗ hơn 1.053 tỷ đồng.
Doanh thu từ các hoạt động của FWD đều ghi nhận tăng trưởng so với năm trước đó. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm của FWD đạt 5.996 tỷ đồng, tăng 55% so với năm. Lợi nhuận gộp từ hoạt động này ghi nhận đạt 2.576 tỷ đồng.
Với hoạt động tài chính, tuy doanh thu hoạt động này tăng hơn 40% lên 475 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động tài chính lại tăng gấp 19 lần từ hơn 4 tỷ đồng lên 76,7 tỷ đồng do đó lợi nhuận gộp tại mảng này tăng gần 20% lên 398 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC năm 2022 |
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của FWD Việt Nam đạt gần 18.190 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm trước.
Trong đó, 4.564 tỷ đồng là giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn, trong đó tiền gửi ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4.056 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Ngoài ra công ty còn có các khoản đầu tư 414 tỷ đồng thuộc quỹ liên kết đơn vị bao gồm tiền gửi ngắn hạn, cổ phiếu niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC năm 2022 |
Ngoài ra, FWD Việt Nam cũng có các khoản đầu tư dài hạn trị giá 4.657 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn ở mức 2.545 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Ngoài ra còn có 2.101 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 1.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp gồm trái phiếu tại các ngân hàng như Agribank, VietinBank, Vietcombank, LPBank,… và 601 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh.
Bên cạnh đó, FWD Việt Nam cũng đầu tư vào công ty liên kết là Công ty TNHHH Financial Wealth Management với tỷ lệ vốn nắm giữ là 19,5%.
Các hợp đồng bancassurance lớn
Hiện FWD Việt Nam hiện đang có hợp đồng hợp tác với một số ngân hàng bao như Agribank, Vietcombank và Nam A Bank.
Năm 2020, Vietcombank và FWD Việt Nam chính thức ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn 15 năm.
Ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng Giám đốc FWD Việt Nam cho biết: Vietcombank là ngân hàng có nền tảng vững chắc trong kỷ nguyên số 4.0, kết hợp với sức mạnh kỹ thuật số của FWD, sẽ giúp chúng tôi mở rộng hệ thống phân phối, mang những trải nghiệm riêng biệt và đưa các sản phẩm bảo hiểm đến với nhiều người dân Việt Nam hơn, từng bước thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm."
Yuanta Việt Nam cho biết phí trả trước của thương vụ này lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Ngay 3 tháng đầu năm 2021, Vietcombank cũng hạch toán 1.700 tỷ phí trả trước từ FWD, 1.100 phí hoa hồng. Như vậy, tổng thu nhập từ hoạt động phân phối bảo hiểm trong quý 1 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.
FWD còn hợp tác với một ngân hàng Big4 nữa là Agribank vào năm 2022. Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: “Đây là một minh chứng cho quá trình hiện thực hóa các mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, phát triển hệ sinh thái sản phẩm ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán của Agribank.”
Báo lỗ liên tiếp nhiều năm liền do các chi phí tăng mạnh
Mặc dù có những hợp đồng hợp tác với những ngân hàng nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ trong nhiều năm liên tiếp, trong đó chủ yếu nguyên nhân là do các chi phí của FWD liên tục tăng cao. Năm 2020 và 2022, 2 năm FWD có được cái bắt tay với 2 ngân hàng quốc doanh lại là 2 năm lỗ kỷ lục.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC FWD |
Năm 2022, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của FWD đạt gần 6.000 tỷ đồng, nhưng công ty lại mất đến hơn 3.400 tỷ đồng vào chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và 3.813 tỷ đồng chi phí bán hàng.
Công ty đã chi hơn 2.000 tỷ đồng vào bồi thường và trả tiền bảo hiểm, trong đó có 1.659 tỷ đồng để dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc, tăng gấp đôi so với năm trước.
Bên cạnh đó, công ty cũng tốn một khoản lớn vào chi phí bán hàng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí quản lý cho các kênh phân phối với hơn 2.600 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng chi phí bán hàng, tiếp sau là chi phí quảng cáo bán hàng với hơn 1.000 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC năm 2020 của FWD Việt Nam |
Hay năm 2020, công ty cũng tốn đến hơn 1.310 tỷ đồng vào chi phí phí quản lý cho các kênh phân phối, gấp 2,5 lần so với năm trước đó. Chi phí khuyến mãi bán hàng cũng tăng gần 3 lần so với năm 2019 lên mức 666 tỷ đồng.
Có thể thấy mặc dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty vẫn đem lại doanh thu, nhưng việc chi quá nhiều vào các chi phí, đặc biệt là chi phí bán hàng gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nhiều năm trở lại đây của FWD Việt Nam.