Thị trường - Doanh nghiệp

Hướng đi mới cho thị trường BĐS ở tỉnh đông dân nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Sơn 01/10/2024 15:30

Tỉnh này thời gian tới sẽ tập trung triển khai các quy định pháp luật mới về đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh BĐS... nhằm thúc đẩy thị trường BĐS nơi đây bước qua giai đoạn trầm lắng.

Thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh An Giang trong quý III/2024 ghi nhận mức tăng nhẹ so với quý I và II, nhưng vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ, lượng giao dịch còn thấp.

Thực trạng thị trường BĐS hiện nay: Chủ yếu phân lô bán nền, xây nhà để bán

Theo Cục Thuế tỉnh An Giang, trong quý I/2024, số lượng giao dịch BĐS bao gồm 50 lô đất nền và 96 căn nhà ở riêng lẻ với tổng giá trị trên 148 tỷ đồng.

Sang quý II/2024, số lượng giao dịch tăng lên với 47 căn chung cư, 54 lô đất nền và 184 căn nhà ở riêng lẻ, tổng giá trị giao dịch đạt 366,5 tỷ đồng.

Hiện nay tại An Giang chủ yếu phân lô bán nền, xây nhà để bán. Ảnh: Internet

Hiện nay tại An Giang chủ yếu phân lô bán nền, xây nhà để bán. Ảnh: Internet

Đến quý III/2024, thị trường ghi nhận 21 căn chung cư, 33 lô đất nền và 231 căn nhà ở riêng lẻ được mua bán, với tổng giá trị giao dịch trên 492 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Điệt - Trưởng phòng Quản lý nhà, thị trường bất động sản và Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, không có dự án phát triển nhà ở thương mại nào được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

>> Nhiều dấu hiệu lạc quan, thị trường BĐS liệu có đủ 'lực' để bứt phá trong năm 2025?

Chỉ có 1 dự án đủ điều kiện bán theo Luật Kinh doanh BĐS, đó là Khu đô thị mới Tây sông Hậu giai đoạn 2.

"Cơ cấu sản phẩm hiện vẫn tập trung vào các dự án kinh doanh bất động sản dưới hình thức phân lô bán nền hoặc xây nhà để bán. Các dự án du lịch, nghỉ dưỡng và văn phòng vẫn chưa thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư", ông Điệt chia sẻ.

Về giá cả thị trường, theo các chủ đầu tư, tại TP. Long Xuyên, nhà ở thương mại tại Khu đô thị mới Tây sông Hậu có giá cao nhất ở mức 25 triệu đồng/m2; tiếp theo là đất ở tại Khu đô thị Golden City An Giang với giá 19,7 triệu đồng/m2. Đối với nhà ở xã hội, giá chung cư dao động từ 12,8 - 14 triệu đồng/m2, với giá thuê trung bình khoảng 45.000 đồng/m2.

Anh Đỗ Mạnh Hiền - Trưởng đại diện, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á chi nhánh An Giang cho biết: "Khu đô thị Golden City An Giang với hơn 1.500 nền đã bán hết từ lâu. Dự án nhà ở xã hội của công ty tại đây có 530 căn, sau 1 năm mở bán đã bán gần hết với giá 12,8 triệu đồng/m2, chỉ còn hơn 50 căn. Nhà ở xã hội được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nên nhu cầu rất cao. Đầu năm 2025, công ty sẽ triển khai xây dựng thêm 2 tòa T2, T5 với hơn 500 căn hộ".

Theo các nhà đầu tư, thời gian qua, hiện tượng "nóng, sốt" của thị trường BĐS một phần do các chiêu trò "tạo giá ảo", "thổi giá" từ giới đầu cơ và môi giới BĐS.

Dù giá nhà đất đã giảm nhưng vẫn chưa kích thích được người mua. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng nhẹ, kỳ vọng vào sự phục hồi từ những tháng cuối năm và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Hướng đi nào cho thị trường BĐS tại An Giang?

Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết sự trầm lắng của thị trường BĐS chủ yếu do vướng mắc pháp lý của các dự án kinh doanh BĐS, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng.

Về vốn đầu tư, một số dự án nhà ở xã hội chậm khởi công do tình hình kinh tế hậu COVID-19, chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn và lãi suất vay.

Nếu gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng dành cho các dự án phát triển nhà ở xã hội được triển khai hiệu quả, tình hình nhà ở xã hội sẽ có khả năng khởi sắc.

Thị trường BĐS tại An Giang đang trong giai đoạn trầm lắng. Ảnh: Internet

Thị trường BĐS tại An Giang đang trong giai đoạn trầm lắng. Ảnh: Internet

Ông Lê Minh Điệt cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai các quy định pháp luật mới về đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh BĐS, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư theo ngành, lĩnh vực. Sở này cũng sẽ tham mưu HĐND tỉnh ban hành các quy định để hoàn thiện hệ thống pháp luật, khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh An Giang cũng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án bất động sản theo Kết luận 77-KL/TW của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, tỉnh An Giang sẽ tiến hành tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với các dự án đầu tư kinh doanh BĐS theo hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Tỉnh cũng sẽ triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đến năm 2050 và thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật trong quản lý xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm.

An Giang là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đây là tỉnh có dân số đông nhất vùng ĐBSCL với số dân 1.905.520 người (tính đến năm 2022 theo ước tính trung bình của Tổng cục Thống kê Việt Nam) và là tỉnh đứng thứ 8 cả nước về dân số

>> Giải mã nghịch lý: BĐS Hà Nội 'nóng sốt' còn thị trường tỉnh vẫn 'lạnh tanh'

Chủ nhân biệt thự đẹp nhất Cà Mau phải nộp phạt 8,3 tỷ đồng

Hơn 800 căn hộ của FPT được mở bán tại thành phố đáng sống nhất thế giới tại Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/huong-di-moi-cho-thi-truong-bds-o-tinh-dong-dan-nhat-vung-dong-bang-song-cuu-long-d134508.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hướng đi mới cho thị trường BĐS ở tỉnh đông dân nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long
    POWERED BY ONECMS & INTECH