Huyện Mê Linh nêu lý do lùi thời gian đấu giá 32 thửa đất
Phiên đấu giá 32 thửa đất ở tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Hà Nội) được lùi sang ngày 18/9 thay vì ngày 12/9 như phương án ban đầu.
UBND huyện Mê Linh vừa có văn bản gửi Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam về việc thay đổi thời gian đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa.
Theo phương án ban đầu, buổi đấu giá dự kiến được tổ chức vào chiều ngày 12/9. Tuy nhiên, UBND huyện cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão, dự báo sẽ tiếp tục có mưa trên diện rộng, nước sông dâng cao gây ngập úng nhiều khu vực, khó khăn trong việc đi lại.
“Để tập trung công tác phòng, chống lũ, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, Trung tâm Phát triển quỹ đất đề nghị công ty thay đổi thời gian đấu giá sang 14 giờ ngày 18/9”, văn bản nêu rõ.
Ngay sau đó, Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam có văn bản thông báo về sự thay đổi này.
Về quyền lợi của khách hàng, đối với các khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, hồ sơ của khách hàng được bảo lưu đến ngày xét duyệt điều kiện. Với các khách hàng chưa nộp khoản tiền đặt trước, thời gian nộp được tính đến 17 giờ ngày 16/9.
32 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa sắp đưa ra đấu giá có diện tích từ 73,5-187,5m2, giá khởi điểm dao động 21,7-32,8 triệu đồng/m2. Mức tiền đặt cọc thấp nhất là hơn 360 triệu đồng, cao nhất là hơn 1,2 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 6, huyện Mê Linh đã đấu giá thành công 51 lô đất tại xã Liên Mạc. Các thửa đất có diện tính từ 95-263,2 m2. Mức giá khởi điểm khoảng 18,4-20,6 triệu đồng/m2, giá đấu trúng cao nhất được xác định là 38,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về cho ngân sách là 169 tỷ đồng, cao hơn 47 tỷ so với giá khởi điểm.
Năm nay, Mê Linh dự kiến đấu giá khoảng 500 thửa đất. Đây đều là các khu đất nằm ở vị trí đẹp, đón đầu dự án đường Vành đai 4. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được huyện đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển hệ thống kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng tiêu chí lên quận sau năm 2025 và lên thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, cho biết, khoảng 500 thửa đất dự kiến đưa ra đấu giá thuộc 4 xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng và Tráng Việt. Các thửa đất nằm trong quy hoạch điểm cư dân nông thôn, đã giải phóng mặt bằng và được thành phố giao đất.
Đất ven Hà Nội dần hạ nhiệt?
Ngày 10/9, 47 thửa đất ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) được đấu giá thành công với mức trúng cao nhất đạt 69,8 triệu đồng/m2, gấp gần 3 lần giá khởi điểm.
Trước đó, ngày 29/8, tại cuộc đấu giá 39 thửa đất, lô đất trúng cao nhất là 60 triệu đồng/m2. Như vậy, phiên đấu giá hôm 10/9 ghi nhận mức giá trúng cao nhất cao hơn đỉnh cũ thiết lập trước đó hơn 10 ngày.
Tuy nhiên, so với các cuộc đấu giá đất tại nhiều huyện ven Hà Nội thời gian qua, có thể thấy, phiên đấu giá này có ít hồ sơ tham gia. Với tổng số 416 hồ sơ, 180 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá 47 thửa đất, tương đương mỗi lô đất khoảng 4 người quan tâm.
Trong khi đó, phiên đấu giá ngày 29/8 cũng tại huyện Phúc Thọ, với 39 thửa đất ghi nhận hơn 650 hồ sơ, với hơn 350 nhà đầu tư tham gia, tương đương mỗi lô đất có 9 người quan tâm.
Hay phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai có tới hơn 4.000 hồ sơ với khoảng 1.600 người tham gia.
Phiên đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký với hơn hơn 500 khách hàng tham gia.
Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, chưa phát hiện có kẽ hở từ chính sách liên quan đến quá trình đấu giá đất tại Thanh Oai và Hoài Đức (Hà Nội).
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát việc đấu giá đất, quản chặt phân lô bán nền
Trong văn bản gửi các địa phương mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản thời gian qua chưa phát triển bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
Gần đây nhất, một số phiên đấu giá đất (tại Hà Nội) có giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm. Bộ cho rằng điều này làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Bộ đề nghị các địa phương kiểm soát việc mua đi bán lại, sang tay bất động sản nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường. Nếu có hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, các địa phương cần có biện pháp xử lý.
Bộ cũng yêu cầu rà soát công tác tổ chức đấu giá đất, quản lý chặt chẽ việc phân lô bán nền nhằm hạn chế tình trạng "thổi giá" gây nhiễu loạn thị trường.
>>Huyện sắp lên quận của Thủ đô lùi thời gian đấu giá 32 thửa đất