Kênh thoát nước chính cho sân bay lớn nhất Việt Nam luôn trong tình trạng ngập ngụa rác, gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 200 hộ dân sắp được 'hồi sinh' nhờ nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Xây dựng TP. HCM xác nhận đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo kênh Hy Vọng (Q. Tân Bình) với nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng nhằm cải thiện môi trường và giảm ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Lao Động, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. HCM đang tiến hành thẩm định hồ sơ và dự kiến sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án trong năm nay.
Kênh Hy Vọng sẽ được cải tạo đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương với độ dài hơn 1,1km, trong đó chủ yếu làm kênh hở hình chữ nhật.
Thực trạng đoạn kênh này tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá nhiều rác thải kèm xác động vật, gây mùi hôi thối và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống quanh vùng.
Đáng nói, tình trạng vứt rác thải, cơi nới và lấn chiếm bờ kênh khiến khu vực này ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng nước không thoát ra được mỗi khi mưa lớn khiến cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng như các khu dân cư.
Theo như báo cáo từ Sở Xây dựng TP. HCM, công trình này bố trí 55 hố thu kết nối thoát nước dọc bờ và xây mới 9 cống xả, cống qua dọc đường.
Dọc hai bờ, dự án làm đường rộng 6m cùng vỉa hè và hệ thống thoát nước... với tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.980 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, thực hiện từ nay đến năm 2027.
Trong đó, chi phí cho bồi thường và giải phóng mặt bằng khoảng 1.595 tỷ đồng với tổng diện tích cần giải tỏa khoảng 21.200 m2, di dời 179 căn nhà.
Theo Báo Tiền Phong, dự án cải tạo kênh nhằm đảm bảo khả năng thoát nước cho khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống cho người dân khu vực hai bên kênh, đặc biệt khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (tên giao dịch chính thức: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) có diện tích 850ha, là sân bay lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích cũng như công suất nhà ga (với công suất thiết kế năm 2018 là 28 triệu lượt khách/năm và quá tải khi lượng hành khách lên tới 38 triệu khách/năm) tính đến hiện nay.
Dự án cải tạo đoạn kênh này đã được TP. HCM chấp thuận chủ trương từ năm 2013 nhưng cho đến năm 2016 thiết kế cơ sở của dự án mới được phê duyệt.
Đây được xem là dự án thành phần của Dự án Quản lý rủi ro chống ngập cho TP. HCM, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB).
Mặc dù vậy, do nhiều vấn đề chưa thống nhất nên vào giữa năm 2017, WB đã thông báo sẽ dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho Dự án Quản lý rủi ro chống ngập cho TP. HCM khiến cho việc cải tạo kênh Hy Vọng buộc phải dừng lại.
Đến năm 2018, Trung tâm Điều hành chống ngập nước tại TP. HCM đã kiến nghị UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách với mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc công tác đền bù và giải phóng mặt bằng nên nhiều thủ tục vẫn còn "nằm ì" khiến dự án "đắp chiếu" suốt một thời gian.
>> Quảng Trị dồn lực 'cứu nguy' cho dự án 600 tỷ đồng được 'khơi thông'