‘Kênh đào Panama’ hơn 2.600 tỷ lớn nhất Việt Nam đón tin vui
Các phương tiện thủy được lưu thông bình thường qua kênh đào này sau nhiều ngày hạn chế để phục vụ công tác bảo trì.
Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc (thuộc Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) vừa thông báo kết thúc thời gian hạn chế giao thông thủy nội địa qua âu tàu Nghĩa Hưng, tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, kể từ 18h ngày 17/7, các phương tiện thủy có thể lưu thông bình thường qua kênh Nghĩa Hưng – tuyến kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ.

Trước đó, từ ngày 1/7, Chi cục đã áp dụng biện pháp hạn chế giao thông qua khu vực này nhằm phục vụ công tác bảo trì hệ thống âu tàu. Sau khi các hạng mục bảo trì hoàn tất, đảm bảo đủ điều kiện vận hành và khai thác an toàn, hoạt động lưu thông được khôi phục.
Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc đề nghị các đơn vị vận tải thủy và người điều khiển phương tiện cập nhật thông tin, chủ động trong việc lập kế hoạch hành trình khi di chuyển qua khu vực âu tàu Nghĩa Hưng.

Dự án xây dựng kênh Nghĩa Hưng trị giá 100 triệu USD (hơn 2.600 tỷ đồng), là công trình kênh đào có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Đây là một phần trong Dự án WB6 do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Công trình được triển khai trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) và chính thức đưa vào khai thác từ ngày 25/7/2023.
Toàn bộ cụm công trình gồm các hạng mục chính: xây dựng kênh nối dài khoảng 1 km giữa hai dòng sông, chiều rộng đáy kênh từ 90-100m; xây dựng âu tàu với kích thước buồng âu dài 179m, rộng 17m và cao độ đáy -7,0m.
Đặc biệt, hệ thống âu tàu hoạt động theo nguyên lý tương tự kênh đào Panama: Tàu được dẫn vào buồng âu, cửa sau đóng lại, nước được điều tiết đến mức phù hợp rồi mới mở cửa trước cho tàu tiếp tục hành trình. Mỗi thao tác đóng, mở đều được đội ngũ kỹ sư giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Dự án Đường thủy nội địa quốc gia - kênh Nghĩa Hưng góp phần quan trọng trong việc phát triển vận tải thủy ven biển, cho phép các phương tiện trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông thông suốt giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ. Mỗi lượt vận hành âu tàu có thể cho phép từ 1-3 tàu đi qua, tùy theo tải trọng và kích thước.
Việc đưa dự án vào vận hành không chỉ giảm chi phí vận tải, mà còn góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ và hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ven biển và nội địa.
>> Từ hôm nay, cao tốc có lưu lượng xe lớn nhất Việt Nam đóng cửa một phần, người dân chú ý