Một hợp đồng bảo hiểm có thể từ vài chục trang đến hàng trăm trang, rủi ro với người mua là khá lớn khi không thể hiểu hết nội dung.
Gần đây, một số thông tin thiếu tích cực liên quan đến bất đồng giữa bên mua và bên bán bảo hiểm nhân thọ thu hút nhiều sự quan tâm tâm trên các diễn đàn. Người mua chia sẻ lo ngại việc có thể mất hàng tỷ đồng đã đóng theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu kết thúc hợp đồng sớm.
Vì sao đóng tiền tỷ chỉ nhận về trăm triệu? Những băn khoăn đang đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của tư vấn viên khi bán bảo hiểm cho khách; nhận thức, hiểu biết của người mua khi tham gia sản phẩm này; trách nhiệm giải quyết khiếu nại, phản hồi và việc quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm hiện nay.
Vụ việc diễn viên Ngọc Lan khóc lóc lo mất tiền tỷ khi mua bảo hiểm và băn khoăn chưa rõ hợp đồng 74 năm là sẽ đóng 74 năm hay hợp đồng 74 năm thì được bảo vệ trong vòng 74 năm đang gây xôn xao dư luận.
Cần hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ
Theo yêu cầu mới nhất của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm.
Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ tài chính cho khách hàng trước các rủi ro liên quan đến thân thể, sức khỏe, tính mạng. Người mua sẽ đóng phí bảo hiểm một lần hoặc định kỳ vào quỹ dự trữ tài chính do công ty bảo hiểm quản lý.
Nếu đến ngày kết thúc hợp đồng mà không có bất kỳ rủi ro nào xảy ra, công ty bảo hiểm phải chi trả các khoản phí đã đóng cộng dồn với lãi tích lũy ở các kỳ. Về thời hạn, có sự khác biệt giữa thời hạn đóng phí bảo hiểm và thời gian được bảo vệ.
Theo các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trong 3 - 5 năm đầu khi cá nhân tham gia bảo hiểm có rất nhiều mức phí, nhiều nhất là phí bảo hiểm cơ bản, lên tới 60 - 85% phí bảo hiểm năm đầu và giảm dần những năm tiếp theo, ngoài ra còn phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng… Do đó nếu tất toán, ngừng đóng trước khi hết hạn hợp đồng, số tiền có thể nhận về sẽ rất thấp sau khi trừ các loại phí này. Vì vậy, các luật sư cho rằng, khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ, đọc kỹ hợp đồng.
Trách nhiệm thuộc về cả nhân viên tư vấn và khách hàng
Một trong những nguyên tắc hàng đầu các công ty bảo hiểm đặt ra với khách hàng khi ký kết hợp đồng là trung thực. Khách hàng được yêu cầu tuyệt đối trung thực trong việc kê khai các thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh án... Vì đây chính là cơ sở để công ty bảo hiểm thẩm định hồ sơ và quyết định khách hàng có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm nhân thọ hay không.
Vậy đội ngũ tư vấn bảo hiểm thì sao? Tính trung thực và trách nhiệm khi tư vấn đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng như thế nào?
Khi có khiếu nại, không ít đại lý đổ lỗi nạn nhân vì không đọc kỹ hợp đồng. Tuy nhiên, người mua không rành mới cần đến tư vấn.
Hiện đội ngũ tư vấn bảo hiểm thông thường có 3 hình thức: các đại lý (các cá nhân độc lập được công ty đào tạo để đi bán bảo hiểm và hưởng hoa hồng từ hoạt động bán bảo hiểm), các ngân hàng phân phối bảo hiểm, hoặc thứ ba là tư vấn tại chính các văn phòng của công ty bảo hiểm. Vấn đề thường thấy nhất là người tư vấn đã để khách hàng kỳ vọng quá mức vào những gì bảo hiểm có thể mang lại.
Để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng về bảo hiểm nhân thọ, không ít các đội nhóm kinh doanh đã liên tục tuyển dụng, đào tạo thật nhanh những tư vấn viên mới để đi tìm doanh số.
Trên hợp đồng bảo hiểm thường có bảng minh họa dòng tiền, với các mức lãi suất tương ứng được Bộ Tài chính quy định là 5% và 7%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại đa phần công ty chỉ ghi nhận mức lãi 4%, có thể gây thất vọng với không ít khách hàng. Tuy nhiên, về phía tư vấn viên, cũng có những trường hợp chủ động sử dụng thủ thuật để làm đẹp dòng tiền.
Theo số liệu gần nhất, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm, cao gấp khoảng 5 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường bảo hiểm thế giới. Dù tốc độ tăng trưởng cao, nhưng quy mô còn nhỏ, tỷ lệ người dân tham gia thấp.
Tính riêng bảo hiểm nhân thọ, đến nay, Việt Nam mới chỉ có hơn 10% dân số tham gia. Trong khi tỷ lệ này ở Philipines và Malaysia cao gấp 3 - 5 lần. Mua bảo hiểm, trước tiên là mua sự bảo vệ người tham gia khi gặp rủi ro không lường trước được, không có sản phẩm bảo hiểm nào vừa bảo vệ, vừa hứa hẹn một khoản lãi lớn; đồng thời cũng cần phải xem xét doanh số hào nhoáng bất chấp khủng hoảng của ngành bảo hiểm nhân thọ; cần một con số thật, tin cậy, phản ánh đúng thực tế thị trường, để hướng đến sự phát triển thực chất, lành mạnh của thị trường vốn được xem là rất nhân văn này.
Tỉnh giàu nhất Việt Nam ‘rục rịch’ làm tổ hợp giáo dục hơn 500 tỷ đồng
Từ tháng 1/2025, thêm 2 ngành nghề chính thức bị cấm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam