Khẩn cấp dừng thi công cả công trường xây dựng vì đào trúng giếng cổ: Kho báu gồm '200.000' vật thể lộ diện, mang giá trị kinh tế và lịch sử to lớn
Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với giới khảo cổ học mà còn góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu.
Vào sáng ngày 1/6/2016, khi các công nhân đang miệt mài làm việc tại một công trường xây dựng ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, họ bất ngờ phát hiện một sự việc kỳ lạ. Trong lúc máy xúc đang đào đất tại khu vực cần thi công thì đào trúng một hố sâu khoảng 4-5m so với mặt đất, trông giống như một chiếc giếng cổ. Nhận thấy điều bất thường, các công nhân lập tức dừng mọi hoạt động để kiểm tra kỹ hơn.
Một công nhân có mặt tại hiện trường cho biết: “Khi quan sát kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy chiếc giếng cổ này không giống những chiếc giếng thông thường, nó khá độc đáo. Miệng giếng không phải hình tròn mà là một hình bát giác đều đặn, viền được làm bằng gốm. Khu vực xung quanh giếng được lát gạch xanh mang đậm phong cách Giang Nam.

Sau khi đào sâu thêm, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện ra rằng có một số lượng lớn đồng xu cổ xâu thành chuỗi được giấu ở trong đó. Vì vậy, tôi đã nhanh chóng thông báo sự việc cho cảnh sát và chính quyền địa phương. Hiện trường nhanh chóng được phong tỏa. Các chuyên gia của Viện Khảo cổ Thành phố Tô Châu cũng đã được mời đến đến thẩm định".
Sau quá trình khai quật và kiểm tra, các chuyên gia kinh ngạc khi phát hiện hơn 80 túi chứa đầy tiền cổ, mỗi túi nặng hơn 50kg, với tổng trọng lượng lên đến khoảng 4 tấn. Những đồng xu này được xác định có niên đại từ thời Bắc Tống của Trung Quốc. Theo ước tính, số lượng tiền xu trong lô này có thể lên đến hơn 200.000 đồng. Đặc biệt, các chuyên gia nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các đồng xu ở lớp trên và lớp dưới, làm dấy lên nhiều giả thuyết thú vị về nguồn gốc của kho báu này.
Theo mô tả, những đồng xu ở lớp trên có kích thước lớn hơn một chút, được sắp xếp vô cùng ngay ngắn và mang dòng chữ khắc rõ ràng "Sùng Ninh Trọng Bảo". Trong khi đó, các đồng xu ở lớp dưới có phần nhỏ hơn và khắc những dòng chữ khác, bao gồm "Nguyên Phong Thông Bảo" và "Thiệu Thánh Nguyên Bảo". Sự khác biệt này khiến các chuyên gia không khỏi tò mò, đặt ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của kho tiền cổ bí ẩn này.
Đáng chú ý, trong quá trình khai quật, các chuyên gia còn tìm thấy một đồng xu đặc biệt mang dòng chữ “Thánh Tống Nguyên Bảo” thuộc thời Hoàng đế Huy Tông nhà Tống (Trung Quốc). Đây là một loại tiền cổ không đặt tên theo thời đại và được làm bằng bạc, rất quý giá.

Theo phân tích ban đầu của nhóm khảo cổ, vào thời Bắc Tống, Tô Châu là một khu vực có nền kinh tế khá phát triển. Vì vậy, các chuyên gia phỏng đoán rằng số tiền cổ này có thể thuộc về một thương gia giàu có, người đã vội vã chôn giấu tài sản của mình trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Bên cạnh giá trị vật chất, mỗi đồng xu được tìm thấy còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, phản ánh sự thịnh vượng và quá trình phát triển của Trung Quốc trong một giai đoạn quan trọng.
Trước đó, vào tháng 5/2005, một kho báu hơn 900 năm tuổi cũng đã được phát hiện tại một đoạn sông Dương Tử chảy qua huyện Tung Dương, tỉnh An Huy. Đây là khu vực có dòng nước chảy xiết, nhiều rạn san hô dày đặc, đồng thời là nơi tập trung các tàu khai thác cát nhỏ hoạt động nhộn nhịp. Trong một lần khai thác, một số công nhân trên tàu bất ngờ nhận thấy cát vớt lên có lẫn những đồng tiền cổ kỳ lạ. Một số đồng xu nằm rải rác, trong khi một số khác lại được xâu thành chuỗi, phủ lớp màu xanh lục do thời gian bào mòn, khiến phát hiện này càng trở nên bí ẩn và hấp dẫn.
Nhận thấy đây có thể là một di vật văn hóa quý giá, các công nhân lập tức báo tin cho các chuyên gia khảo cổ đến thẩm định. Ngay sau đó, một chiến dịch khai quật quy mô lớn được triển khai, với sự tham gia của 28 con tàu để thu thập những đồng tiền cổ. Sau hơn một tháng tìm kiếm, kết quả thu về đầy ấn tượng: chiếc tàu lớn nhất trục vớt được hơn 6.000 kg tiền xu, trong khi ngay cả tàu nhỏ nhất cũng tìm được hơn 500 kg. Theo Kknews.cc, tổng cộng, số tiền cổ được trục vớt lên đến hơn 32.000 kg, đánh dấu một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất tại khu vực này.
Các chuyên gia cho biết số lượng tiền xu này được chôn vùi dưới lớp trầm tích ở đáy sông ở độ sâu hơn 20m. Sau quá trình làm sạch, họ nhận thấy hầu hết những đồng xu cổ này đều thuộc loại Sùng Ninh Thông Bảo từ thời Bắc Tống. Điều đặc biệt là tình trạng của chúng vẫn được bảo quản cực kỳ tốt, bề mặt nhẵn bóng, chữ khắc rõ nét, không hề có dấu hiệu bị ăn mòn.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến những đồng xu này vẫn gần như nguyên vẹn sau hơn 900 năm có thể là do ngay khi rơi xuống sông, chúng nhanh chóng bị lớp cát dày bao phủ. Thêm vào đó, áp lực mạnh từ độ sâu 30 - 40m cùng môi trường không có oxy đã giúp chúng tránh được tác động của quá trình oxy hóa. Khi được trục vớt, những chuỗi tiền xu trước đây đã bị tách rời, chỉ còn lại từng đồng xu riêng lẻ, nhưng giá trị lịch sử của chúng vẫn vô cùng to lớn.
Các chuyên gia nhận định rằng số tiền xu Sùng Ninh Thông Bảo này có thể chưa từng được đưa vào lưu hành. Chúng được đúc vào năm Hy Ninh thứ 8 (1075 sau Công Nguyên) tại một xưởng đúc tiền ở thành phố cổ Đồng An, cách Thục Châu khoảng 80 dặm về phía đông. Sau khi hoàn thành, lô tiền này được vận chuyển theo đường thủy đến các khu vực lân cận để phân phối.
Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ đã xảy ra, con tàu chở số tiền xu này gặp nạn khi đi qua đoạn sông trên và bị nhấn chìm. Qua hàng thế kỷ, kho báu này nằm yên dưới đáy sông, được lớp trầm tích bao phủ, chờ đợi một ngày được khám phá.