Vĩ mô

Khi Việt - Pháp cùng coi nhau là 'cửa ngõ'

Thành Huế - Lê Anh Dũng 28/05/2025 08:57

Không đơn thuần là những con số thương mại, đầu tư, giáo dục..., mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp cần có cách tiếp cận khác biệt. Hai quốc gia trở thành “cửa ngõ” quan trọng để cùng nhau kết nối Á - Âu.

Ngay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến công du đặc biệt tới Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci, Chủ tịch AVSE Global chia sẻ với VietNamNet về tầm nhìn chiến lược mới trong quan hệ Việt - Pháp. Ông là một trong những học giả gốc Việt có ảnh hưởng trong cộng đồng trí thức Pháp và quốc tế.

Thưa giáo sư, ông từng sống và làm việc lâu năm ở Pháp, là cầu nối của giới trí thức Việt Nam toàn cầu. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mang lại điều gì đặc biệt trong quan hệ hai nước?

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Emmanuel Macron mang tính biểu tượng cao. Nếu cách đây hơn một thế kỷ, Bác Hồ đã đến Pháp để tìm con đường cứu nước, thì ngày nay, Việt Nam hợp tác với Pháp với tư cách là một quốc gia độc lập, có vai trò, uy tín và tiếng nói trong cộng đồng quốc tế.

Pháp hiện không có nhiều đối tác chiến lược toàn diện ở châu Á, và Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trong số đó. Điều này không chỉ nói lên sự tin cậy mà còn thể hiện sự tương đồng chiến lược.

việt nam pháp.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiều 26/5

Cả hai đều muốn khẳng định vai trò trong thế giới đa cực, thông qua hợp tác kinh tế, đầu tư, giáo dục, y tế, khoa học và đặc biệt là văn hoá - nền tảng mềm vững bền nhất.

Hai cửa ngõ chiến lược

Một cụm từ rất ấn tượng ông từng nhấn mạnh: “Việt Nam là cửa ngõ của Pháp vào châu Á, kết nối để tăng thêm vị thế với châu Phi; Pháp là cửa ngõ của Việt Nam vào châu Âu”. Xin ông lý giải rõ hơn về tầm nhìn này?

Đây là một quan hệ hai chiều cân bằng và chiến lược. Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á - điểm đến hấp dẫn của các chuỗi cung ứng toàn cầu, có quan hệ gần gũi với các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam có ảnh hưởng và thiện cảm tốt đẹp với các nước châu Phi. Trong khi đó, Pháp là một mắt xích trung tâm trong chiến lược và quản trị của Liên minh châu Âu.

Quan trọng hơn, cả hai quốc gia đều đang chủ động tìm kiếm những đối tác có thể chia sẻ tầm nhìn phát triển bền vững. Pháp đang nỗ lực tái định vị vai trò tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh hậu Brexit và căng thẳng chiến lược Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bối cảnh quốc tế hiện nay càng trở nên đáng lưu tâm khi Mỹ cân nhắc áp thuế quan cao với một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, thậm chí đe dọa mức thuế lên tới 50% đối với hàng hóa từ châu Âu.

Bên cạnh đó, Pháp muốn lấy lại vị thế của mình với các nước châu Phi - nơi mà Việt Nam được yêu quý và tôn trọng. Việt Nam ngày càng đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách “thân thiện với nhà đầu tư”.

Trong khi đó, Việt Nam có thể thông qua cửa ngõ Pháp để tiếp cận thị trường khó tính châu Âu. Việt Nam cũng mong muốn hợp tác ở nhiều lĩnh vực phục vụ cho kỷ nguyên vươn mình.

W-GS Khương pháp 3.jpeg
GS.TS Nguyễn Đức Khương là một trong những học giả gốc Việt có ảnh hưởng trong cộng đồng trí thức Pháp và quốc tế. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhìn lại lịch sử, ta có thể thấy Bác Hồ có cái nhìn cởi mở về văn hóa và con người Pháp. Người Pháp có tinh thần yêu tự do, dân chủ, rất ủng hộ hòa bình, văn minh nhân loại nên ủng hộ và giúp đỡ Bác rất nhiều trong những năm hoạt động tại đây. Người dân Pháp có nhiều nét văn hóa tương đồng với người dân Việt Nam. Pháp cũng là một trong những nước tích cực thúc đẩy để Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam.

Thấu hiểu về văn hóa và người dân Pháp, nên khi Việt Nam mở cửa, nhiều lãnh đạo của Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã chọn Pháp là một trong những nước đầu tiên để kết bạn.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cùng xây dựng chiến lược hợp tác cả hai bên cùng thắng. Khi hai bên cùng nhìn nhau như “cửa ngõ”, đó không chỉ là giao thương, mà là kết nối liên lục địa.

Chúng ta có thể tưởng tượng một tuyến hợp tác: Việt Nam - ASEAN - Pháp - EU - châu Phi. Từ logistics, nông sản, y tế, giáo dục đến công nghệ cao, năng lượng tái tạo... tất cả đều có thể phát triển trong chuỗi liên kết này.

Sự hợp tác được đánh giá là rất triển vọng, nhưng thương mại hai chiều hiện vẫn quanh ngưỡng 5 tỷ USD. Nguyên nhân nằm ở đâu, thưa giáo sư?

Có một câu chuyện nhỏ tôi từng được nghe từ một người bạn nước ngoài, rất đáng suy ngẫm. Anh ấy nói rằng, anh từng đi nhiều quốc gia, nhưng chưa nơi nào có con người thân thiện như Việt Nam. Người Việt mình cởi mở, dễ gần, sẵn sàng ngồi uống bia, chia sẻ. Trong khi đó, người Pháp lại không dễ mở lòng trong lần đầu tiếp xúc. Họ cần thời gian để hiểu, để tin, và khi đã tin thì lại gắn bó sâu sắc, giúp đỡ hết lòng. Họ không thích những mối quan hệ chóng vánh, bề nổi.

tổng thống pháp với sv.jpeg
Chia sẻ với sinh viên ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân tài

Cách tiếp cận đó cũng phản ánh trong văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Pháp rất nghiêm túc và khắt khe trong tuân thủ các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội - từ môi trường, quản trị minh bạch cho tới nhân quyền. Họ đánh giá một dự án không chỉ ở lãi suất đầu tư mà còn xem xét tác động dài hạn tới cộng đồng, môi trường. Những gì không được phép làm tại Pháp như dùng lao động quá giờ, gây ô nhiễm... thì họ cũng không mang đi áp dụng ở các quốc gia khác.

Đó có thể là một trong những lý do vì sao, dù có tiềm năng, nhiều dự án của Pháp tại Việt Nam vẫn chưa triển khai được.

Văn hóa làm việc ở ta phần nhiều còn chưa có cách tiếp cận kế hoạch dài hạn. Ví dụ như họ làm tàu điện ngầm là đã quy hoạch đất từ trước, xây dựng trong chiến lược 100 năm. Phía mình thì có thể xây đến đâu giải phóng mặt bằng đến đó. Rồi chuyện “ký kết xong là xong”, truyền thông rồi “quên” cử người theo sát các bước tiếp theo của dự án. Trong khi đó, doanh nghiệp Pháp cần sự cam kết bền vững và sự đồng hành chuyên nghiệp sau mỗi ký kết.

Tôi từng biết có những công trình mà phía Pháp xây dựng từ hàng trăm năm trước, đến nay họ vẫn thông báo cho phía Việt Nam lịch trình bảo trì thiết bị, công trình xây dựng. Họ làm gì cũng có trách nhiệm, có hồ sơ lưu trữ, có tầm nhìn rất xa.

Một rào cản lớn nữa là thủ tục hành chính. Nhiều doanh nghiệp Pháp chia sẻ với tôi rằng họ không biết nên xin giấy phép ở đâu, liên hệ với bộ nào, ai là đầu mối giải quyết. Thiếu đầu mối rõ ràng cũng khiến họ cảm thấy “bí” khi bước vào thị trường Việt Nam, dù rất muốn hợp tác.

Tư duy dài hạn, yếu tố mà Việt Nam cần học từ Pháp

Có vẻ như tư duy “100 năm” của người Pháp là một rào cản nhưng cũng là một bài học?

Đúng vậy. Ở Pháp, mỗi dự án lớn đều có tầm nhìn thế kỷ. Làm metro, họ quy hoạch trước cả 30–40 năm, giải phóng mặt bằng trước khi khởi công. Họ tính tới tác động xã hội, môi trường, phát triển bền vững.

Thiếu tầm nhìn xa khiến chi phí đội lên, chất lượng quản lý kém, gây mất lòng tin của đối tác. Một doanh nghiệp Pháp từng nói với tôi: “Tôi không biết khi có vấn đề, phải gõ cửa bộ nào, ai xử lý”. Đó là một “rào chắn mềm” mà ta cần tháo gỡ nếu muốn đón dòng đầu tư chất lượng cao.

Nếu phải chọn 3 trụ cột hợp tác chiến lược Việt - Pháp, ông sẽ chọn gì?

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kinh tế tư nhân và xây dựng pháp luật đóng vai trò là "bộ tứ trụ cột" thể chế nền tảng cho sự phát triển.

W-GS Khương pháp.jpeg
GS.TS Nguyễn Đức Khương đưa ra nhiều giải pháp giúp quan hệ Việt - Pháp đi vào chiều sâu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Để phát triển có chiều sâu với các đối tác, chúng ta chọn làm sâu những lĩnh vực nào để hợp tác đi được đường dài. Đó không chỉ là câu chuyện xuất khẩu mà là câu chuyện 2 nước cùng nhau phát triển khoa học công nghệ, cùng chinh phục các thị trường khác nhau.

Tôi chọn 3 trụ cột sau để hợp tác như một tam giác gắn kết chiến lược giữa hai nước: thương mại - đầu tư, công nghệ, văn hóa - chính trị xã hội.

Về thương mại và đầu tư, chúng ta có những ngành hàng quan trọng như dệt may, da giày, nông nghiệp thủy sản... Chúng ta xuất vào thị trường châu Âu nhiều nhưng vào thị trường Pháp thì lại là con số rất nhỏ.

Khi cả hai cùng xem nhau là “cửa ngõ”, hợp tác không còn là lựa chọn ngắn hạn, mà là cấu phần trong chiến lược dài hạn của nhauGS.TS. Nguyễn Đức Khương

Điều này không phải vì hàng Việt không đạt tiêu chuẩn, mà vì chúng ta thiếu lực lượng chuyên gia hiểu sâu về thị trường Pháp và EU. Nếu Pháp đồng hành, cùng làm và hỗ trợ, hàng Việt hoàn toàn có thể đi sâu vào cả khối EU.

Về công nghệ, Pháp là quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực: năng lượng sạch, y tế, môi trường, trí tuệ nhân tạo. Họ không chỉ có công nghệ mà có khả năng thương mại hoá mạnh mẽ. Việt Nam cần đón đầu xu thế đó không bằng chuyển giao thụ động mà bằng hợp tác hấp thụ, từ chế biến thực phẩm đến công nghệ sạch...

Về văn hóa - chính trị - xã hội, đây là nền tảng để xây dựng niềm tin chiến lược. Pháp có tầm nhìn 2030 với trọng tâm là châu Á - Thái Bình Dương, và họ coi Việt Nam là cửa ngõ.

Ngược lại, Việt Nam cũng nhìn thấy ở Pháp một đầu mối để kết nối châu Âu, châu Phi. Khi cả hai cùng xem nhau là “cửa ngõ”, thì hợp tác không còn là lựa chọn ngắn hạn, mà là cấu phần trong chiến lược dài hạn của nhau.

Không chỉ là bạn, mà là bạn đồng hành chiến lược

Đâu là giải pháp then chốt để các ý tưởng này thành hiện thực?

Tôi nghĩ Việt Nam cần một cơ chế hợp tác liên ngành có trách nhiệm, nơi doanh nghiệp Pháp biết phải tìm đến ai, ai là người chịu trách nhiệm, theo dõi, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia hiểu văn hóa, pháp lý, thị trường Pháp - những “cầu nối mềm” giữa hai bên. Tôi biết có nhiều doanh nghiệp Việt có sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU, nhưng không có ai hướng dẫn, kết nối, nên không vào được thị trường Pháp.

Câu chuyện ông kể làm tôi liên tưởng đến một điều: Việt - Pháp không chỉ là bạn, mà là bạn đồng hành chiến lược trong thời đại mới?

Chính xác. Chúng ta không tìm kiếm những mối quan hệ ngắn hạn, mà cần đối tác cùng chia sẻ tầm nhìn dài hạn. Cái bắt tay này nếu bền, sẽ mở ra một hành lang hợp tác Á - Âu.

Cảm ơn Giáo sư vì cuộc trò chuyện đầy trí tuệ và cảm hứng. Có lẽ điều Việt Nam cần nhất lúc này không chỉ là bạn bè, mà là bạn đồng hành chiến lược, như Pháp. Một chương mới đang mở ra - chương của tin cậy, chuẩn mực và cùng nhau kiến tạo tương lai.

GS.TS Nguyễn Đức Khương là Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci, Chủ tịch AVSE Global (Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu).

Tháng 7/2017, ông được bổ nhiệm là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tháng 2/2016, ông được RePEc (Research Papers in Economics) xếp hạng thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu thế giới.

Ông luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong các chủ đề kinh tế số hoá, kinh tế trí thức, phát triển bền vững, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, chính sách năng lượng, đầu tư nước ngoài, và thu hút nhân tài. Ông cũng trực tiếp chỉ đạo nhiều dự án tham vấn và tư vấn chính sách lớn với Việt Nam, được các chuyên gia trong mạng lưới của AVSE Global thực hiện.

>> Cộng đồng doanh nghiệp Việt – Pháp đang có ‘cơ hội vàng’ để cùng hợp tác phát triển

Việt Nam – Pháp sẽ ký một hiệp định mới về giáo dục

Tổng thống Macron: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân tài

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khi-viet-phap-coi-nhau-la-cua-ngo-a-au-kien-tao-hop-tac-chien-luoc-moi-2405493.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Khi Việt - Pháp cùng coi nhau là 'cửa ngõ'
    POWERED BY ONECMS & INTECH