'Kho báu dưới lòng đất' của Việt Nam vừa mang về gần 28 triệu USD, nhiều quốc gia săn đón: Bạt ngàn ở nước ta nhưng là hàng hiếm trên thế giới
Củ gừng, nghệ là loại gia vị quen thuộc của người dân Việt Nam và dễ dàng tìm mua tại các chợ, siêu thị.
Theo thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 11.560 tấn gừng, nghệ và các loại gia vị khác, thu về 27,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng xuất khẩu giảm 8,0%, nhưng kim ngạch lại tăng mạnh 25,4%, cho thấy giá xuất khẩu trung bình tăng đáng kể.
Ba doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong nhóm ngành hàng này gồm: Synthite Việt Nam, Senspices Việt Nam và Expo Commodities.
![]() |
Củ gừng - Ảnh minh họa |
Trước đó, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 29.544 tấn nhóm mặt hàng này, với tổng kim ngạch 59,5 triệu USD. Mặc dù sản lượng giảm 15,5% so với năm 2023, nhưng kim ngạch vẫn tăng 20,7%, phản ánh xu hướng tăng giá và nhu cầu ổn định từ thị trường quốc tế.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong xuất khẩu gừng và nghệ nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi và truyền thống canh tác lâu đời. Các sản phẩm này không chỉ quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, thường được bán tại chợ và siêu thị với giá bình dân, mà còn rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.
Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dù phổ biến tại Việt Nam là vậy nhưng đây lại là một loại củ gia vị hiếm có khó tìm trên thế giới, chỉ có tại một số quốc gia nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Nilgeria.
![]() |
Củ nghệ - Ảnh minh họa |
Diện tích trồng nghệ tại Việt Nam hiện thuộc nhóm lớn nhất thế giới, với hơn 50.000 ha (tính đến năm 2021), tập trung tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông… Nghệ Việt Nam nổi bật với hàm lượng curcumin cao, dao động từ 3–5%, phù hợp cho chế biến dược phẩm và mỹ phẩm.
Đối với gừng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được ví như “thủ phủ” gừng của Việt Nam nhờ khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp. Gừng Kỳ Sơn có hương vị đậm đà, chất lượng vượt trội so với các vùng trồng khác. Giống gừng bản địa tại đây gồm hai loại chính: gừng sừng trâu và gừng dé, đều có đặc điểm thơm nồng, vỏ mỏng, hàm lượng tinh dầu cao – rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng.