Khoan sâu hơn 510m, láng giềng Việt Nam chính thức lập kỷ lục khoan lõi ở hồ nước mặn cao nhất thế giới
Theo các nhà khoa học, việc khoan tới độ sâu kỷ lục có ý nghĩa to lớn trong hoạt động khoan hồ và nghiên cứu cổ khí hậu.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, nước này vừa lập kỷ lục mới về khoan lõi tại hồ Nam Co - hồ nước mặn cao nhất thế giới tọa lạc tại Khu tự trị Tây Tạng.
Theo Tân Hoa Xã, vào lúc 18h35 ngày 12/7, nhóm thám hiểm khoa học đa quốc gia đã trích xuất thành công lõi trầm tích hồ từ độ sâu 402,2m dưới lòng hồ Nam Co. Khám phá này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, vượt xa kỷ lục độ sâu 153,44m trước đây được thiết lập tại cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng.
Thế nhưng, kỷ lục này đã nhanh chóng được phá vỡ chỉ sau chưa đầy một tuần. Theo ECNS (Trung Quốc) thông tin ngày 17/7, kỷ lục mới về độ sâu khoan lõi tại hồ Nam Co đạt đến 510,2m tại lỗ khoan thứ 7.
Với độ sâu kỷ lục này, nhóm nghiên cứu quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu đã hoàn tất hoạt động khoan lõi ở hồ nước mặn cao nhất thế giới này. 7 lỗ khoan đã được khoan trong suốt dự án, đây là kết quả sau gần 2 tháng thực hiện.
Trước đó, cuộc thám hiểm của các nhà khoa học được khởi động vào đầu tháng 6 với sự tham gia của các nhà khoa học và kỹ thuật viên khoan từ Đức, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ, nhằm nghiên cứu những thay đổi của hồ và môi trường xung quanh.
Theo các nhà khoa học, việc khoan tới độ sâu kỷ lục có ý nghĩa to lớn trong hoạt động khoan hồ và nghiên cứu cổ khí hậu của Trung Quốc.
Tiến sĩ Wang Junbo, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng (ITP), Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chia sẻ: "Bằng cách nghiên cứu lõi trầm tích hồ, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về khí hậu và những thay đổi về môi trường trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng trong hơn 1 triệu năm qua và cung cấp cơ sở khoa học cho các dự báo khí hậu trong tương lai."
Tiến sĩ Zhu Liping, một lãnh đạo khác trong nhóm thám hiểm khoa học và là nhà nghiên cứu tại ITP, khẳng định, hoạt động khoan lõi trầm tích hồ Nam Co là dự án khoan ở độ cao cao nhất thuộc Chương trình khoan khoa học lục địa quốc tế. Lõi trầm tích thu thập được sẽ được lưu giữ vĩnh viễn tại ITP để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học chuyên sâu.
Sự kiện này cũng đánh dấu một bước tiến đột phá trong lĩnh vực khoan hồ tại Trung Quốc, mở ra tiềm năng to lớn cho hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu và lịch sử Trái Đất.
Hồ Nam Co là hồ nước mặn cao nhất thế giới, tọa lạc ở độ cao hơn 4.700m. Hồ nằm giữa hai thành phố Lhasa và Nagqu. Với diện tích 1.023km2, dài 54,3km và rộng trung bình 18,36km, đây là hồ nước lớn thứ ba ở Tây Tạng sau hồ NamSto và Siling Sto.
Có nhiều loài động vật hoang dã sinh sống tại các đồng cỏ và vùng đất ẩm ướt quanh hồ như linh dương, lừa hoang châu Á, mòng biển đầu đen, sếu cổ đen hay ngỗng đầu sọc...
Nhờ sở hữu khung cảnh hữu tình hiếm có, hồ Nam Co được ví như "viên ngọc bích" của cao nguyên Tây Tạng. Mùa hè, du khách từ nhiều nơi đổ về đây thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ cũng như để đắm mình vào mùa đẹp nhất trong năm ở Tây Tạng.
Hồ Nam Co được coi là nơi linh thiêng trong Phật giáo Tây Tạng.
>> Nước láng giềng Việt Nam xây mạng lưới vệ tinh bao quanh Mặt Trăng