Không phải Hà Nội hay Sài Gòn, đây mới là thành phố có điện đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam - trung tâm công nghiệp lớn của Đông Dương
Pháp đầu tư vào nơi này, xem đây là trung tâm công nghiệp lớn của Đông Dương lúc bấy giờ và đầu tư nhiều công trình lớn tại đây.
Theo cuốn hồi ký Xứ Đông Dương, từ năm 1888, người Pháp đã mạnh tay xây dựng Hải Phòng từ những làng chài thành cảng biển sôi động nhất miền Bắc.
Pháp đầu tư vào nơi này, xem đây là thủ đô về kinh tế của Bắc Kỳ. Pháp biến một làng chài nhỏ tại Hải Phòng thành cảng biển lớn nhất miền Bắc nước ta, làm đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm công nghiệp lớn của Đông Dương.
Năm 1892, người Pháp khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của Đông Dương tại Hải Phòng. Nhà máy này được gọi là Nhà đèn Vườn hoa, có công suất 750kW. Tiền thân của Công ty Điện lực Hải Phòng ngày nay là Nhà đèn Vườn hoa và Nhà máy điện Cửa Cấm.
Vì vậy, không phải Hà Nội hay Sài Gòn (sau này là TP. HCM), Hải Phòng mới là nơi đầu tiên ở Việt Nam được thắp sáng bằng điện vào năm 1894. Trong khi đó, tháng 12/1892 Hà Nội mới xây dựng nhà máy điện và cũng phải mất 3 năm sau mới có thể đi vào hoạt động.
Liên tiếp sau đó là xây dựng đường sắt nối Hà Nội – Hải Phòng, hàng loạt công ty chế tạo cơ khí, sửa chữa, đóng tàu, luyện kim, sản xuất rượu bia… ra đời. Tất cả các hoạt động của Hải Phòng đều cần đến điện năng.
Đây một điều đáng kinh ngạc bởi vào thập niên 80 của thế kỷ 19, ngay ở Paris (Pháp), người ta còn coi điện là phương tiện xa xỉ, tốn kém và mãi đến năm 1888-1889 mới quyết định dùng đèn điện để thắp sáng một số trung tâm hành chính.
Sự khởi đầu thuận lợi ở Hải Phòng đã mở ra thời kỳ mới cho ngành điện lực của Việt Nam. Người Pháp sau đó đã giao cho các công ty tư nhân phát triển và kinh doanh điện năng.
Tháng 10/1954, tổng công suất nguồn điện miền Bắc chỉ khoảng 31,5MW với sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh/năm.
Để đáp ứng nhu cầu điện năng, cùng với việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các nhà máy điện do Pháp để lại, trong các năm 1955-1960, Việt Nam khởi công xây dựng, đưa vào vận hành một số nhà máy nhiệt điện than mới có công suất nhỏ và vừa.
Tại Bắc Kỳ, Công ty Điện Đông Dương được thành lập vào năm 1902 đã liên tục tăng mạnh vốn để mở rộng việc kinh doanh điện. Năm 1925, Nhà máy Điện Yên Phụ với tổng công suất 22.500kW được xây dựng, cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lỵ Đồng bằng Bắc Bộ. Từ năm 1923 đến năm 1926, người Pháp cho xây dựng hàng loạt đường dây điện cao thế quan trọng như tuyến Hà Nội - Hà Đông, Sơn Tây, Hải Phòng, Hải Phòng - Kiến An và Đồ Sơn.
Trong năm 1925, thành phố Nam Định được cấp điện. Các nhà máy phát điện cũng dần được xây dựng tại các tỉnh Hải Dương, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn… Tính đến năm 1938, điện đã xuất hiện tại 26/27 thị trấn và 12 khu vực đô thị tại Bắc Kỳ. Như vậy, tất cả thủ phủ của các tỉnh (ngoại trừ Sơn La) đều đã có điện.
Tại Nam Kỳ, trong giai đoạn đầu, các khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn được chiếu sáng bởi nhiều công ty với các nhà máy điện cỡ vừa và nhỏ. Vào năm 1900, Công ty Nước và Điện Đông Dương được thành lập, chủ yếu cung ứng điện năng cho khu vực Sài Gòn và dần mở rộng ra thị trấn Chợ Lớn và thị trấn Thủ Đức, với sự hình thành Nhà Đèn Cầu Kho có công suất khoảng 3.300kW vào năm 1912.
Đến năm 1922, Nhà Đèn Chợ Quán có công suất 5.000kW được đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu điện của Sài Gòn, Chợ Lớn và một số thị trấn như Lái Thiêu, Búng và Thủ Dầu Một.
Tại Trung Kỳ, năm 1919, Nhà máy Đèn Huế được thành lập với công suất khoảng 3.600kW cung cấp điện cho khu vực thành phố Huế. Từ năm 1921-1926, các nhà máy điện công suất nhỏ lần lượt được xây dựng tại Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn và Nha Trang. Đến năm 1928, Công ty Nước và Điện Trung Kỳ (Société indochinoise pour les eaux et l’électricité en Annam) được thành lập và nhận các quyền kinh doanh điện tại Trung Kỳ.