Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc 'thổi bay' hàng triệu việc làm mỗi ngày

22-05-2024 05:58|Vũ Bấc

Chấp nhận giảm lương đến 90%, lao động Trung Quốc trong thị trường bất động sản phải chật vật kiếm sống với hy vọng phục hồi mong manh.

Nhiều người trẻ có bằng cấp, chuyên môn ở Trung Quốc từng tin rằng sau khi ra trường sẽ sớm tìm được một vị trí an toàn trong tầng lớp trung lưu. Cơn bão khủng hoảng tài sản kéo qua, làm bao người "vỡ mộng” khi thị trường việc làm càng ngày càng khắc nghiệt.

Trung Quốc: Khủng hoảng bất động sản 'thổi bay' hàng triệu việc làm mỗi ngày, lương giảm 90%
Những người lao động trên công trường một khu đô thị đang xây dựng ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc

Trước khi “bong bóng” vỡ

Ngày mới ra trường năm 2016, Ivy Zhang - một nữ cử nhân ngành hóa học - đã vào làm cho một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Zhang làm việc đến 11 giờ đêm mỗi ngày, sau nhiều cố gắng và giành được vị trí “nhà vô địch bán hàng” ở chi nhánh tỉnh, cô được chuyển đến trụ sở ở một thành phố lớn hơn.

Lúc đó Zhang thường xuyên mua các gói spa trị giá 550 USD để “chữa lành” cho quãng thời gian làm việc vất vả hàng ngày. Với lương thưởng và tài khoản tiết kiệm dồi dào, Zhang nhớ cô từng trả lời một ai đó rằng “tài khoản ngân hàng cũng chỉ là một dãy số”.

8 năm trước, bất động sản là thứ tài sản đảm bảo chắc chắn. Ở Trung Quốc, “phi nhà đất bất thành hôn nhân”, chuyện cưới xin thường được gắn liền với việc mua đất, tậu căn hộ.

Giá nhà ở dường như chỉ tăng, không bao giờ giảm, do đó chúng vừa là phương tiện lưu trữ tài sản, cũng là bảo hiểm và tiết kiệm hưu trí của bao người. Theo số liệu của World Bank, bất động sản có thời điểm chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc.

Nhưng những gì xảy ra sau đó đã đi vào lịch sử. Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo người dân rằng “mua nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ ”, đến năm 2021, những công ty bất động sản khổng lồ đang say trong men chiến thắng đã bán nhà nhanh hơn mức họ có thể xây và vay nợ chồng chất để tìm cách mở rộng.

Trung Quốc: Khủng hoảng bất động sản 'thổi bay' hàng triệu việc làm mỗi ngày, lương giảm 90%
Theo Economist, China Evergrande đã lỗ 81 tỷ USD tính trong giai đoạn 2021-2023

Khi Chính phủ đột nhiên siết chặt các điều kiện vay mượn thế chấp, cả hệ thống đã sụp đổ. Nhiều người mua nhà phải chờ đợi vì thời gian xây dựng đình trệ, châm ngòi cho những cuộc biểu tình giận dữ trên khắp đất nước phản đối nhà cung cấp bất động sản, tiêu biểu là Country Garden và gã khổng lồ Evergrande. Evergrande là một trong những "bom nợ" lớn nhất trong lịch sử, kéo nền kinh tế Trung Quốc vào suy thoái.

Nguồn thu của Chính phủ sụt giảm. Hình ảnh những khu nhà trống và các công trình công cộng chưa hoàn thiện đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho thấy sự suy giảm niềm tin và sự bất mãn của người dân đối với các công ty bất động sản lớn.

Giấc mộng tiêu tan

Sinh viên mới và sắp ra trường là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề khi cuộc khủng hoảng diễn ra. Theo Ke Yan Zhi Ku, một nhóm nghiên cứu bất động sản, sự suy thoái đã đẩy khoảng 500.000 người lao động ra khỏi lĩnh vực bất động sản trong vòng 3 năm tính đến năm 2023. Đó là chưa kể công nhân trong các ngành liên quan như xây dựng và tiếp thị.

Alex Capri, chuyên gia cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết đây là một cú sốc đưa sự nghiệp của nhiều người trong ngành về số 0, buộc nhiều người phải chuyển ngành hoặc điều chỉnh lại toàn bộ chuyên môn. Cuộc khủng hoảng bất động sản đang tạo ra một cảm giác u ám rộng lớn hơn do kỳ vọng cao của xã hội vào ngành bất động sản.

Thời mà một số công ty bất động sản thưởng xe Mercedes-Benz cuối năm đã là ký ức xa vời, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đây vẫn chưa phải là đáy. Theo WSJ, sức nặng kinh tế của lĩnh vực nhà ở có thể giảm xuống còn khoảng 16% GDP của Trung Quốc vào năm 2026. Điều này khiến khoảng 5 triệu người — tương đương với toàn bộ dân số Ireland — có nguy cơ thất nghiệp hoặc giảm thu nhập. Ngay cả những người lao động trẻ đang ở độ tuổi sung sức nhất cũng đang phải vật lộn để tìm việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 15,3% trong báo cáo dữ liệu mới nhất của Trung Quốc.

Cô Zhang, 30 tuổi, người từng phụ trách tiếp thị những căn hộ trị giá gần 1 tỷ nhân dân tệ (139 triệu USD) cho Country Garden, giờ đây chuyển sang bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội để kiếm sống. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn với cô khi có tháng chỉ bán được 3 đơn hàng, khác một trời một vực so với thời mà cô kiếm hơn 83.000 USD/năm.

Cô và chồng đã hoãn việc sinh con, mỗi ngày phải lùng sục trên mạng những ưu đãi giảm giá, tự nấu bữa ăn trưa mang đi làm và giảm thiểu giao tiếp xã hội để cắt giảm chi phí.

Trung Quốc: Khủng hoảng bất động sản 'thổi bay' hàng triệu việc làm mỗi ngày, lương giảm 90%
Nhân sự trong ngành bất động sản Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề

Không chỉ các nhân viên tiếp thị, một Giám đốc quan hệ đầu tư như anh Ivan Li, 28 tuổi, đã hai lần mất việc ở Hong Kong trong cuộc khủng hoảng khi ban giám đốc của các công ty cắt giảm kinh phí ngay cả với các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều người cố bám trụ ngành đã phải thỏa thuận giảm đến 90% lương trong không khí bi quan và tình trạng nhà ở “ế hàng” đã trở thành điều thường thấy trong hơn 2 năm qua.

Doanh số bán các căn hộ và bất động sản thương mại trong năm nay tại thị trường tỷ dân dự kiến ​​​​sẽ giảm 45% so với năm 2021. Ngay cả Vanke – tập đoàn bất động sản được hậu thuẫn của Nhà nước – cũng đang phải chịu áp lực, với việc xếp hạng tín dụng bị cắt xuống mức siêu thấp (junk), theo ước tính từ Fitch Ratings.

Trong khi đó, người tiêu dùng phản ứng bằng các biện pháp cực đoan để thể hiện sự bất mãn. Trong số 952 cuộc biểu tình ở Trung Quốc trong quý IV/2023, 17% liên quan đến vấn đề nhà đất, đặc biệt là vấn đề chậm lương cho công nhân xây dựng và sự chậm trễ trong việc hoàn thiện, bàn giao dự án.

Viễn cảnh phục hồi

Một số chính quyền địa phương đã hài lòng với các biện pháp nhằm hạ nhiệt tình trạng đầu cơ, bãi bỏ các biện pháp hạn chế mua hàng ở một số thành phố lớn, bao gồm Hàng Châu, nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn Alibaba.

Chính phủ Trung Quốc đã xác định hai trụ cột trong chính sách đổi mới nhà ở: xây dựng nhà giá phải chăng và cải tạo nhà ở tại các quận nội thành đang xuống cấp. Ngân hàng Trung ương đang cung cấp nguồn vốn giá rẻ cho những nỗ lực này thông qua cái gọi là chương trình cho vay bổ sung đã cam kết, với khoảng 3,4 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến cuối tháng 1/2024.

Cổ phiếu của các nhà phát triển Trung Quốc đã tăng mạnh trong tuần qua kể từ sau thông tin Chính phủ Trung Quốc “cứu trợ” chính quyền địa phương mua lại những căn nhà chưa bán được.

Bà Maggie Hu, trợ lý giáo sư tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết: “Những thay đổi trong mô hình tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản có thể giúp tạo điều kiện phục hồi và giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tình trạng thất nghiệp, tuy vậy tác động sẽ đến trong dài hạn”.

>> Thị trường nhà ở Trung Quốc: Quốc doanh 'nuốt chửng' khu vực tư nhân, nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới?

Thảm cảnh của người già ở một siêu cường châu Á: Không dám nghỉ hưu, gần chết vẫn phải làm việc quần quật để mưu sinh

Kinh tế khó khăn, giới trẻ Trung Quốc đổ xô 'lên bờ' thi công chức

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trung-quoc-khung-hoang-bat-dong-san-thoi-bay-hang-trieu-viec-lam-moi-ngay-luong-giam-90-235601.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc 'thổi bay' hàng triệu việc làm mỗi ngày
POWERED BY ONECMS & INTECH