Cuộc khủng hoảng không có hồi kết tại thị trường bất động sản Trung Quốc đang khiến những gã khổng lồ bất động sản lớn nhất nước này "lao đao".
Country Garden, từng là công ty bất động sản tư nhân hàng đầu Trung Quốc về doanh số bán hàng, đã đưa ra một thông báo bất ngờ vào cuối ngày 28/3 rằng họ sẽ trì hoãn báo cáo kết quả kinh doanh do cần thêm dữ liệu.
Trong khi đó, China Vanke - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc tính theo doanh số hợp đồng, chứng kiến lợi nhuận ròng giảm 46% trong năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ khi niêm yết năm 1991.
Những tuyên bố này, kết hợp với nợ xấu tăng ở một số ngân hàng, nhấn mạnh sự yếu kém của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cho thấy niềm tin tiêu dùng trì trệ đang tiếp tục đè nặng lên thị trường bất động sản của quốc gia này.
Giá nhà mới và nhà đã sử dụng giảm sâu hơn trong tháng 2 sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền khi họ cố gắng cứu vãn thị trường đang bị bao vây.
Tình trạng sụt giảm doanh số bán nhà dai dẳng đang gây nguy hiểm tới một nhóm các nhà phát triển bất động sản. Ảnh: Bloomberg |
Đà suy thoái gần như không loại trừ một ai, dù là công ty tư nhân hay công ty được Nhà nước hậu thuẫn. Chỉ mới 1 năm trước, hai “ông lớn” Country Garden và Vanke vẫn được ca ngợi là có khả năng sống sót bất chấp biến động thị trường.
Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, Country Garden đã gây rúng động thị trường khi tuyên bố vỡ nợ trong khi Vanke tìm cách ngăn chặn tình trạng này thông qua đàm phán với các công ty bảo hiểm về nợ.
Country Garden dự kiến sẽ hoãn công bố kết quả thu nhập năm 2023 sau thời hạn ngày 31/3. Sự chậm trễ có thể dẫn đến việc tạm dừng giao dịch của công ty vào ngày 2/4 khi thị trường Hồng Kông mở cửa trở lại.
Nhà phân tích Kristy Hung chỉ ra rằng động thái này sẽ khiến công ty gặp những trở ngại mới trong việc tái cơ cấu, nhấn mạnh bất kỳ sự chậm trễ nào trong kế hoạch thoát nợ đều có thể gây lo ngại về rủi ro kiện tụng.
Country Garden giải thích rằng họ cần thời gian thu thập thêm thông tin để có thể đưa ra các ước tính và phán đoán kế toán phù hợp.
Mặt khác, tập đoàn Vanke báo cáo thu nhập ròng của các cổ đông đã tụt xuống còn 12,2 tỷ NDT (1,69 tỷ USD) vào năm 2023. Mức giảm này vượt xa mức 14% mà các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát dự kiến.
Nhà phát triển bất động sản này đặt mục tiêu cắt giảm nợ hơn 100 tỷ NDT trong 2 năm tới khi họ “xóa bỏ đòn bẩy một cách chắc chắn”. Được biết Vanke đã không đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, lần đầu tiên kể từ khi niêm yết tại thị trường Trung Quốc năm 1991.
Cổ phiếu công ty giảm tới 3,8% vào hôm 29/3 xuống mức thấp nhất gần một thập kỷ ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, Chủ tịch công ty Zhu Jiusheng trong một cuộc họp trực tuyến cùng ngày khẳng định Vanke có đủ hỗ trợ tài chính từ 26 đối tác ngân hàng.
Các nhà phát triển BĐS đang gặp khó khăn của Trung Quốc báo cáo tổn thất lớn. Nguồn: Bloomberg |
Hiện tại, trong số 23 nhà phát triển bất động sản đã công bố thu nhập, có 14 công ty báo lỗ ròng và 6 công ty báo cáo lợi nhuận giảm sút, theo tính toán của Bloomberg. Chỉ duy nhất 3 công ty đạt được mức tăng nhẹ về lợi nhuận.
Bên cạnh đó, suy thoái bất động sản kéo dài cũng lan sang cả lĩnh vực tài chính, tác động đến nhiều ngân hàng lớn khi nợ xấu tăng lên. Vừa qua, ngân hàng Bank of Communications báo cáo tỷ lệ nợ xấu của họ đã tăng lên 4,99% vào cuối năm ngoái từ mức 2,8% năm 2022.
Đối thủ của họ, ngân hàng Công Thương Trung Quốc cũng chứng kiến các khoản nợ xấu từ thế chấp nhà ở nhảy vọt tới 9,6%. Còn Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ghi nhận mức tăng 4,7% trong các khoản cho vay thế chấp nhà ở vào năm 2023.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hôm 28/3 đã cắt giảm dự báo về thị trường nhà ở Trung Quốc, dự đoán doanh số bán nhà mới sẽ giảm 5-10% trong năm nay do nhu cầu mua nhà yếu hơn.
>> Trung Quốc: Khủng hoảng bất động sản đang lan sang các ngân hàng lớn nhất, nợ xấu tăng mạnh
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: Ông lớn số 2 nguy cơ vỡ nợ, giá nhà tiếp tục chạm đáy
Giá nhà giảm mạnh nhất 9 năm, khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc chưa có hồi kết