Thế giới

Kinh tế Trung Quốc đối mặt thách thức kép: Cả sản xuất và tiêu dùng đều sụt giảm

Vũ Bấc 16/07/2024 11:20

Nhu cầu tiêu dùng giảm sút đã kéo theo hoạt động sản xuất đình trệ, tạo ra vòng xoáy giảm phát khiến nền kinh tế Trung Quốc đối diện với nhiều khó khăn.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép ngày càng lớn từ việc tăng thuế quan của Mỹ và Liên minh châu Âu, hai khu vực đối tác thương mại lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo Business Insider, các nhà lãnh đạo kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện mối lo ngại cấp bách hơn nằm ở nhu cầu tiêu dùng nội địa quá ảm đạm.

Kinh tế Trung Quốc đối mặt thách thức kép, đe dọa tạo ra vòng xoáy giảm phát - ảnh 1
Người tiêu dùng Trung Quốc thờ ơ khiến doanh số nhiều ngành hàng trong nước bị giảm sút

Dữ liệu được công bố trước Hội nghị Kinh tế Trung Ương chỉ ra rằng Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc đã giảm 2 tháng liên tiếp trong tính đến tháng 6, cho thấy sự suy yếu trong hoạt động của các doanh nghiệp lớn. Ngược lại, PMI toàn cầu của S&P, phản ánh hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, lại ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng cao nhất trong ba năm.

Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước đang giảm sút ngay cả khi nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên. Sự khác biệt này đáng lo ngại, bởi Trung Quốc, "công xưởng của thế giới", có thể phải đối mặt với nhu cầu toàn cầu thấp hơn sau khi các biện pháp thuế quan có hiệu lực.

Các nhà kinh tế tại Nomura cảnh báo rằng Trung Quốc khó có thể duy trì đà phục hồi nếu chỉ dựa vào xuất khẩu. Niềm tin của thị trường vào sự phục hồi này cũng đang lung lay, thể hiện qua việc chỉ số CSI 300 giảm từ đỉnh tháng 5.

Chuyên gia kinh tế Eric Zhu nhận định rằng xuất khẩu có thể hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng không thể bù đắp tình trạng yếu kém trong nước.

Nhu cầu yếu kéo theo hoạt động sản xuất đình trệ

Chỉ số PMI giảm sút đã phơi bày những thách thức chồng chất mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Bên cạnh áp lực từ thuế quan, quá trình điều chỉnh chính sách tiền tệ đầy khó khăn, khủng hoảng bất động sản, biến động thị trường chứng khoán, thách thức địa chính trị và nhân khẩu học đang tạo nên một bức tranh kinh tế ảm đạm.

Tâm lý người tiêu dùng suy yếu do bất ổn kinh tế đã khiến họ thắt chặt chi tiêu, ưu tiên vàng và trải nghiệm hơn là mua sắm hàng hóa thông thường. Điều này tạo ra vòng xoáy giảm phát, khi nhu cầu yếu kéo theo giảm phát, càng khiến người tiêu dùng dè dặt hơn trong chi tiêu.

Các nhà kinh tế tại Nomura cảnh báo, sản xuất vẫn tăng đều trong khi số lượng đơn đặt hàng mới của nền kinh tế tỷ dân trên đà giảm cho thấy nguồn cung đang vượt cầu, tạo áp lực giảm giá hàng hóa cho các doanh nghiệp. Vishnu Varathan, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á (trừ Nhật Bản) tại Ngân hàng Mizuho, nhận định sự sụt giảm PMI và lợi nhuận công nghiệp cho thấy chính sách kích thích của Nhà nước có thể đã "quá ít, quá muộn" để có thể đẩy tiêu dùng đi lên.

Theo Business Insider

>> Kinh tế Trung Quốc đã 'kịch trần', khó vượt Mỹ để soán ngôi cường quốc số 1 thế giới?

Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với thị trường dầu thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tính đánh thuế nhập khẩu 200%, Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/kinh-te-trung-quoc-doi-mat-thach-thuc-kep-de-doa-tao-ra-vong-xoay-giam-phat-124154.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế Trung Quốc đối mặt thách thức kép: Cả sản xuất và tiêu dùng đều sụt giảm
POWERED BY ONECMS & INTECH