Ký ức Hà Nội sống động qua những bài hát
TP - Âm nhạc không đứng ngoài việc phản ánh lịch sử của đất nước, đặc biệt là nền âm nhạc cách mạng Việt Nam góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần và niềm tự hào dân tộc. Lịch sử của thành phố Hà Nội nghìn năm văn hiến được thể hiện trọn vẹn qua kho tàng ca khúc độc đáo về Hà Nội.
Nguồn sáng tạo vô tận
So sánh với các Thủ đô trên thế giới, có lẽ Hà Nội là thành phố đặc biệt có dấu ấn trong tất cả tác phẩm văn học, nghệ thuật. Hành trình lịch sử của thành phố Hà Nội nghìn năm văn hiến trải dài từ quá trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt là chặng đường 70 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954-10/10/2024. Đây là nhận định của các chuyên gia trong hội thảo Âm nhạc về Hà Nội - nguồn cảm hứng vô tận do Hội Âm nhạc Hà Nội thực hiện.
Không khó để kể tên những tác phẩm âm nhạc về Thủ đô như Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hà Nội niềm tin hy vọng (Phan Nhân), Bài ca Hà Nội, Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh), Nhớ Hà Nội (Hoàng Hiệp), Sóng đàn Thăng Long (Đỗ Đức Liên, phỏng thơ Trần Chính), Sóng đàn Hà Nội (An Thuyên), Hoài niệm Văn Miếu (Duy Quang), Một thoáng Tây Hồ (Phó Đức Phương), Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quang), Hà Nội linh thiêng hào hoa (Lê Mây), Truyền thuyết Hồ Gươm (Hoàng Phúc Thắng)…
Để khuyến khích các nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ trẻ tâm huyết viết về Hà Nội, nhạc sĩ Thúy My đề xuất, Hội Âm nhạc Hà Nội nên tổ chức các trại sáng tác thường kỳ, đặc biệt cần quan tâm nhiều hơn nữa trong quảng bá ca khúc, tổ chức chương trình giới thiệu, biểu diễn bài bản, quy mô.
Hà Nội luôn là niềm cảm hứng bất tận để các nhạc sĩ khai thác và sáng tạo. Nhà lý luận phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến khẳng định, từ những phát hiện rất riêng của từng tác giả, họ đã vẽ nên một Hà Nội cổ kính, trầm mặc mang dấu ấn lịch sử, nhưng cũng là mảng màu về Hà Nội linh thiêng, hào hoa, thanh lịch. Những khoảnh khắc rất bình dị, đời thường của người Hà Nội như tiếng cười, giọng nói, sự rộn ràng của phố xá với những tiếng rao hàng rong... cũng được thể hiện rõ trong từng lời ca câu hát về Hà Nội.
Hà Nội là nguồn sáng tác vô tận cho văn nghệ sỹ. Ảnh: NHƯ Ý |
Nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cuốn sách nhạc bao gồm 1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội do nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha tuyển chọn và biên soạn ra mắt bạn đọc. Đây được coi là cuốn biên niên sử về ca khúc Hà Nội. Đến nay, số lượng bài hát về Hà Nội không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. “Với số lượng ca khúc đồ sộ về Hà Nội, chúng ta có thể khẳng định, Hà Nội là thủ đô có nhiều bài hát hay nhất và hầu như không một nhạc sĩ nào không có bài hát viết về Hà Nội. Hà Nội hiện lên với tất cả vẻ đẹp đa sắc màu trong âm nhạc”, nhạc sĩ Cát Vận chia sẻ.
Tuy nhiên, việc sáng tác về thành phố này không đơn giản. Nhạc sĩ Hoàng Lân cho biết, để lồng được những chi tiết về lịch sử, danh nhân, người Hà Nội... là điều không dễ. “Việc này còn tùy thuộc vào vốn sống, cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người. Không phải nhạc sĩ nào cũng có đủ kinh nghiệm để viết được”, nhạc sĩ Hoàng Lân chia sẻ.
Thưa vắng sáng tác cho thiếu nhi
Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thúy My nhận định, trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động âm nhạc dành cho thiếu nhi vẫn được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, những sáng tác mới về Hà Nội dành cho thiếu nhi lại không nhiều, ít tác phẩm âm nhạc chất lượng cao. “Nhiều tác phẩm đã có đời sống thường lặp lại trong các hội diễn, liên hoan, trong khi số lượng bài hát mới lại không nhiều, thường chỉ được xuất hiện một vài lần hoặc biểu diễn ở quy mô nhỏ”, nhạc sĩ Thúy My nhận định.
Chị lý giải là do nhiều tác phẩm chưa theo kịp thời đại. Những nhạc sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi đều đã lớn tuổi. Bên cạnh đó, dù còn tâm huyết, có thể sáng tác nhưng họ lại khó tiếp cận với tâm lý, đời sống của thiếu nhi hiện nay. “Trong thời đại công nghệ số, tư duy thẩm mĩ của các em thiếu nhi đã khác rất nhiều so với ngày xưa. Vì vậy, các nhạc sĩ cũng phải chấp nhận thực tế này để thay đổi tư duy, đưa hơi thở thời đại vào trong sáng tác của mình để tác phẩm dễ dàng tiếp cận với các em hơn”, nhạc sĩ Thúy My nêu.
Nữ nhạc sĩ dành lời khen cho các nhạc sĩ trẻ dành tâm huyết sáng tác ca khúc cho thiếu nhi như: Nguyễn Văn Chung, Lê Dũng, Hà Hải… Ngoài ra, những ca khúc viết cho thiếu nhi về Hà Nội dần có sự tìm tòi, sáng tạo, thay vì sử dụng những giai điệu chậm chạp, họ đã chuyển sang sử dụng tiết tấu sôi động hơn như trong ca khúc Hà Nội mến yêu của em, Em yêu mùa thu Hà Nội, Âm vang khúc hát thiếu nhi Thủ đô... Đặc biệt, nhiều ca khúc đã kết hợp thêm loại hình rap vào ca khúc như Hà Nội - Thủ đô em mến yêu, Hà Nội tỏa sáng ước mơ…
Có thể khẳng định góc tiếp cận của các nhạc sĩ đối với Hà Nội được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng nổi bật nhất vẫn là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc kết hợp giữa nét đặc trưng truyền thống và hiện đại góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.