Lại có thêm số điện thoại lừa đảo ‘trộm tiền’ trong tài khoản: Chú ý tuyệt đối không nghe kẻo hối hận không kịp!
Hiện nay, chiêu trò lừa đảo qua điện thoại ngày càng trở nên tinh vi, tập trung vào việc đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng.
85 triệu đồng "bốc hơi" sau một cuộc gọi giả danh
Ngày 18/11/2024, bà P.T.T. (phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) đã bị lừa mất 85 triệu đồng qua một cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực. Đối tượng sử dụng số điện thoại 0903.228.508, tự nhận là kế toán Điện lực Biên Hòa, yêu cầu bà đóng tiền điện trực tuyến qua một ứng dụng giả mạo. Tin tưởng vào lời hướng dẫn, bà T. đã truy cập đường link lạ, cung cấp thông tin cá nhân, chụp căn cước công dân và nhập mã OTP. Chỉ sau khi tài khoản bị trừ tiền, bà mới phát hiện mình đã bị lừa.
Điều đáng lo ngại là kẻ gian thường kéo dài thời gian giao dịch, khiến nạn nhân rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất cảnh giác. Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, từ tháng 7/2024 đến nay, đã có 7 trường hợp tương tự xảy ra tại khu vực Biên Hòa, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến 768 triệu đồng.
Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, người dân cần tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu hoặc mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại. Khi nhận được yêu cầu thanh toán hoặc cài đặt ứng dụng từ các số điện thoại không xác định, hãy từ chối và kiểm tra thông tin qua các kênh chính thức.
Ngoài ra, người dân không nên kết bạn qua Zalo với người lạ hoặc thực hiện các giao dịch tiền điện cho cá nhân không rõ nguồn gốc. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, hãy liên hệ ngay với Tổng Công ty Điện lực miền Nam qua số tổng đài 19001006 - 19009000 hoặc trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Nhận diện các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại mới nhất
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo qua điện thoại đang áp dụng nhiều chiêu trò tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và an ninh xã hội. Một số thủ đoạn phổ biến mà người dân cần cảnh giác bao gồm:
Giả danh cơ quan pháp luật
Kẻ lừa đảo thường mạo danh công an, viện kiểm sát hoặc tòa án để thông báo về những “vi phạm” không có thật. Chúng sử dụng giọng điệu đe dọa, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, sau đó giả mạo lệnh bắt hoặc khởi tố để ép buộc nạn nhân chuyển tiền.
Giả danh nhân viên ngân hàng
Một thủ đoạn khác là giả danh nhân viên ngân hàng để mời gọi các khoản vay online với lãi suất hấp dẫn. Sau khi lấy được lòng tin, chúng yêu cầu nạn nhân nộp các khoản phí hoặc trả góp trước, rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Thông báo trúng thưởng giả
Đối tượng lừa đảo thường giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số hoặc các tổ chức lớn để thông báo nạn nhân trúng thưởng phần quà có giá trị cao. Tuy nhiên, để nhận quà, nạn nhân phải mua sản phẩm đắt tiền hoặc đóng phí trước. Sau khi nhận tiền, kẻ lừa đảo biến mất.
Trước tình trạng lừa đảo gia tăng, cơ quan công an khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng qua điện thoại hay mạng xã hội. Khi nhận được những cuộc gọi khả nghi, hãy kiểm chứng thông tin qua các kênh chính thức và không thực hiện bất kỳ yêu cầu chuyển tiền nào. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.
Cảnh báo 5 đầu số điện thoại của đối tượng lừa đảo, người dân tuyệt đối không nghe
Từ 25/12, không xác thực tài khoản bằng số điện thoại sẽ không được chơi game