các công ty chứng khoán nhận định, việc lãi suất ngân hàng trong nước tăng trở lại và sẽ kéo sang năm 2023 sẽ giúp nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm lượng lợi lớn từ 2 kênh chủ lực.
Doanh nghiệp bảo hiểm xuống dốc lợi nhuận trong quý II/2022
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán đã ghi nhận một quý kinh doanh ảm đạm (quý II/2022) khi lợi nhuận sau thuế đi ngang hoặc đi xuống so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (doanh thu thuần) phần lớn đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất báo lỗ sau thuế trong quý II/2022 là Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (Mã BLI - UPCoM) với mức lỗ sau thuế 51,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 21,3 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả khá bất ngờ khi BLI vừa báo lãi “đậm” hơn 128 tỷ đồng trong quý I.
Bên cạnh BLI ngậm ngùi thua lỗ, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm đã báo cáo lợi nhuận sau thuế quý II sụt giảm so với cùng kỳ với mức giảm đều ghi nhận 2 chữ số.
Doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận giảm mạnh nhất là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (Mã MIG - HOSE) khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 78% còn 17 tỷ đồng.
Trong khi đó, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Mã ABI - UPCoM) và Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Mã BIC - HOSE) cùng ghi nhận mức giảm lợi nhuận 49%.
Câu chuyện lợi nhuận sụt giảm không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp bảo hiểm quy mô nhỏ hay trung ngay cả các ông lớn như Tập đoàn Bảo Việt (Mã BVH - HOSE) và CTCP PVI (Mã PVI - HNX) cũng không ngoại lệ. Về phía BVH, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần đạt kỷ lục 10.334 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế giảm tới 32% còn 317 tỷ đồng.
Về phía PVI, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.579 tỷ đồng - tăng mạnh 26% so với cùng kỳ song lãi sau thuế giảm 26% còn hơn 200 tỷ đồng.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (Mã PGI - HOSE) trong khi may mắn hơn, Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (Mã PRE - HNX) và Tổng CTCP Bảo Minh (Mã BMI - HOSE) báo lãi đi ngang.
Điểm sáng duy nhất trong quý II vừa qua thuộc về Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (Mã AIC - UPCoM) với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh đạt lần lượt 614 tỷ đồng và hơn 17 tỷ đồng.
Triển vọng từ kênh tiền gửi trong quý IV
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm vừa công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, trong giai đoạn bệnh dịch vừa qua, lợi suất của hai kênh tiền gửi và trái phiếu (chiếm khoảng 90% danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm đã giảm mạnh. Tuy nhiên, VNDirect tin rằng lãi suất đã tạo đáy và đang tăng dần trở lại khi thế giới và Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau bệnh dịch kéo theo nhu cầu tín dụng và lạm phát tăng cao.
Dựa vào dữ liệu năm 2021, VNDirect ước tính, nếu lãi suất tăng 10 điểm cơ bản thì lợi nhuận của các công ty bảo hiểm thuần phi nhân thọ như PVI, MIG, BMI sẽ tăng khoảng 1% và lợi nhuận của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sẽ tăng 5% (80% lợi nhuận của BVH từ nhân thọ/20% từ phi nhân thọ).
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với ảnh hưởng tăng lãi suất của Fed ngày 21/9/2022 vừa qua, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã công bố nâng các mức lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi lên thêm 1%.
Như vậy, với việc đồng VND vẫn giữ giá khá tốt khi nền kinh tế duy trì tăng trưởng thì các công ty có tỷ trọng tiền mặt lớn, nợ vay thấp, sẽ có lợi thế trong tình hình hiện nay.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lãi suất còn có thể tiếp tục tăng nữa. Lãi suất huy động và cho vay có khả năng sẽ tăng 0,3 - 0,5% tùy kỳ hạn đối với lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại bởi trên thực tế, lãi suất tại Mỹ tăng thì Việt Nam cũng phải tăng theo.
Theo dự báo lãi suất của Fed, nhiều khả năng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục nâng mạnh lãi suất trong phần còn lại của năm 2022 lên mức 4,4% trong đó chuyên gia của Bank of America - Mark Cabana nhận định, Fed có thể nâng thêm 0,75% vào tháng 11/2022 và 0,5% vào tháng 12/2022.
Theo ông Tuấn, khi lãi suất tăng thì đa phần các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lợi tiêu cực trừ lĩnh vực bảo hiểm sẽ hưởng lợi.
Trên thức tế, nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm cũng sẽ hưởng lợi lớn từ môi tường lãi suất tăng cao khi lợi nhuận nhóm này chủ yếu đến từ 2 kênh đầu tư là mua trái phiếu và gửi tiết kiệm ngân hàng.
Theo thống kê từ Nhịp sống thị trường, tại thời điểm cuối quý II/2022, số dư tiền và tương đương tiền, tiền gửi và trái phiếu của các công ty bảo hiểm thường chiếm phần lớn quy mô tổng tài sản, thậm chí trên 70% như trường hợp của BIC, ABI. Nổi bật nhất phải kể đến BVH khi tỷ lệ trên lên đến 89% với tổng lượng tiền và trái phiếu lên đến hơn 172.000 tỷ đồng.
Ngoài xu hướng tăng lãi suất, cổ phiếu bảo hiểm còn được kỳ vọng với nhiều câu chuyện hấp dẫn đang chờ đợi như thoái vốn Nhà nước hay nới room ngoại.
Bên cạnh đó, việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022 sẽ giúp các hoạt động bán hàng hồi phục qua đó thúc đẩy doanh thu phí bảo hiểm.
Quan sát trong phiên cuối tuần qua (23/9), cổ phiếu doanh nghiệp bảo hiểm có diễn biến rất tích cực, đi ngược lại so với thị trường chung. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ ghi nhận tích cực hơn từ quý IV/2022.
6 tháng cuối năm 2022, VNDirect tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường cổ phiếu cộng với lợi ích từ xu hướng lãi suất tăng (mặc dù ở tốc độ tương đối chậm). Theo đó, các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục đạt được lợi suất ổn định trong năm nay.
10 nhóm đối tượng đặc biệt được chi trả BHYT từ ngân sách Nhà nước, nắm rõ để bảo vệ quyền lợi
Công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội 2 tỷ đồng, nghệ sĩ Quyền Linh nói gì?