Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chậm lại do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm hơn 4% so với tháng 5/2021. Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 5, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 925 triệu USD, giảm hơn 17% so với tháng 5/2021.
Tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,1 tỷ USD, giảm 1,4%.Theo Cục Xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chậm lại, do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất đều tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm bởi tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine; tình hình dịch bệnh bùng phát và chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc.
Trong tháng 5/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất so với các thị trường khác, đạt 758,7 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của ngành gỗ giảm, bởi tỷ trọng xuất khẩu tới thị trường này chiếm hơn 55% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 5/2022.
Trong khi đó, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới một số thị trường tăng rất mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Malaysia, tuy nhiên trị giá xuất khẩu sang các thị trường này chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ bù đắp được một phần mức giảm từ thị trường Mỹ.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường chính vẫn tăng trưởng khả quan, trừ thị trường Anh trong đó trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ dẫn đầu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 749,2 triệu USD, tăng 10,8%; Nhật Bản đạt 677,6 triệu USD, tăng 16,5%...