Livestream qua TikTok để bán hàng nông sản, OCOP thu về 100 tỷ đồng
OCOP đã thực hiện 800 phiên livestream bán hàng nông sản qua kênh TikTok.
Ngày 21/10, tại sự kiện "Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản" ở Cần Giờ, TikTok Việt Nam cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổng kết 6 tháng của hành trình Chợ phiên OCOP.
Tính đến quý 4/2023, đã có hơn 800 phiên LIVE gắn logo Chợ phiên OCOP được thực hiện xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.
Khởi động từ tháng 04/2023, Chợ phiên OCOP là sự kết hợp của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và TikTok với mục tiêu nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên sàn thương mại điện tử, đồng thời kết nối tạo ra lợi thế, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiêu thụ nông sản ở Việt Nam.
Hướng đi đầy tiềm năng cho nông sản Việt
Với quy mô được đầu tư lớn cùng tần suất diễn ra đều đặn theo tuần, TikTok đã kết nối với hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng uy tín để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm, từ đó góp phần lan toả rộng rãi giá trị văn hóa vùng miền. Hashtag #OCOP cũng không ngừng phát triển với hơn 850 triệu lượt xem tính đến thời điểm hiện tại. Những kết quả khả quan này còn được ghi nhận từ các khoá hỗ trợ, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị, giới thiệu bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business do TikTok tổ chức cho hơn 3.000 người bán đến từ hơn 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Một số phiên chợ livestream nổi bật gồm Bí xanh Ba Bể - Bắc Cạn, Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, Mận Phiêng Khoài - Nhãn Sông Mã Sơn La, Nông sản trong mây (Macca, Sầu Riêng) - Lâm Đồng...
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM chia sẻ: “Thông qua chương trình, hàng trăm chủ thể OCOP và nhà bán nông nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ và quảng bá nông sản trên nền tảng số.
Nói về hành trình Chợ phiên OCOP, ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng thế mạnh sẵn có về cộng đồng người dùng để hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận đa dạng tệp khách hàng tiềm năng, số hóa hoạt động kinh doanh và quảng bá thương hiệu, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho người kinh doanh và đa dạng hóa đầu ra cho nông, đặc sản Việt Nam".
Kỳ tích là điều hoàn toàn có thể xảy ra
Bên cạnh thị trường truyền thống, TikTok sẽ giúp các chủ thể OCOP mở rộng thị trường qua thương mại điện tử. Theo đó, sản phẩm OCOP quảng bá trên Tiktok vào thị trường ASEAN và Trung Quốc.
Việc hợp tác với mạng xã hội đóng vai trò quan trọng giúp giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hợp tác góp phần củng cố và hiện thực hóa mục tiêu và định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một ví dụ cụ thể khi bắt tay với Tiktoker bán nông sản, doanh thu của nông dân Cần Giờ tăng 30%. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Long, ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết, việc tăng cường lên các sàn thương mại điện tử đã giúp các phẩm của địa phương tiếp cận được nhiều hơn với khách hàng so với trước. Nhờ đó doanh số bán hàng tăng lên đáng kể từ 10 - 30% tuỳ mặt hàng. Đặc biệt, qua đây hỗ trợ nông hộ làm quen với năng lực triển khai bán hàng trên các hệ thống hạ tầng thương mại điện tử.
Theo bà Tuyết những buổi livestream tập trung giúp ích bà con rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm địa phương đến tận tay người tiêu dùng. Qua những đợt bán hàng, các cơ sở cũng hỗ trợ giá cả tốt hơn cho người tiêu dùng.
Được biết Cần Giờ là địa phương thứ 20 trên cả nước triển khai hoạt động bán hàng OCOP trên nền tảng này. Qua các chợ phiên thương mai điện tử, các nông hộ, chủ thể OCOP đã có dịp kết hợp quảng bá du lịch và sản phẩm đặc trưng địa phương. Hoạt động này đều được TikToker tình nguyện đăng ký hỗ trợ miễn phí.