Vĩ mô

Phó chủ tịch VCCI: '50% khu công nghiệp chưa nghe tới khái niệm khu công nghiệp bền vững’

Khúc Văn 03/04/2024 08:54

Theo đánh giá của các chuyên gia, hành trình trình để các khu công nghiệp phát triển bền vững vẫn còn xa...

Thay đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống

Hiện nay cả nước có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92.200ha. Dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn.

Các chuyên gia cho rằng việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Phó chủ tịch VCCI: '50% khu công nghiệp chưa nghe tới khái niệm khu công nghiệp bền vững’
Có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.

Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh, sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính.

Tương tự, chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26… là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Bà Hiếu cho rằng theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.

>>Hàng loạt khu công nghiệp, đô thị dọc đường vành đai sắp ‘mọc lên’ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Theo bà Hiếu, nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.

Phó chủ tịch VCCI Phạm Quang Vinh cho hay, năm 2022 có một khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) tại 118 khu công nghiệp trên cả nước, kết quả cho biết có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái và 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột ESG; chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế; 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

“Nghiên cứu phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững các khu công nghiệp. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Sự hợp tác giữa các nhân tố trong cùng một mạng lưới là yếu tố quan trọng

Bà Vương Thị Minh Hiếu cho rằng yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi xanh là sự hợp tác giữa các nhân tố trong cùng một mạng lưới.

Ví dụ trong khu công nghiệp thì đó là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, trong quy mô thành phố là quan hệ giữa khu vực sản xuất công nghiệp với khu vực dân cư. Tiếp theo là khả năng hợp nhất giữa các khoảng cách địa lý, với các khoảng cách gần thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Phó chủ tịch VCCI: '50% khu công nghiệp chưa nghe tới khái niệm khu công nghiệp bền vững’
Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong hành trình phát trển khu công nghiệp bền vững.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn ra một trong những ví dụ điển hình về khu công nghiệp sinh thái đó là khu công nghiệp Kalundborg của Đan Mạch với chu trình khép kín và khả năng liên kết. Trong đó có 11 doanh nghiệp tham gia hưởng lợi từ 7 mạng lưới hợp tác, trao đổi nguyên vật liệu và 6 hệ thống hợp tác trao đổi đổi về nước và năng lượng. Mục tiêu là giảm chi phí của các doanh nghiệp trong mạng lưới, tăng mức độ kết nối phát triển các hoạt động sản xuất của mình.

Gần với Việt Nam hơn là ví dụ của thành phố “công nghiệp” Kawasaki tại Nhật Bản. Chỉ trong 10 năm họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực.

Tại Việt Nam, bà Hiếu cho biết bộ đã cùng với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế triển khai hai giai đoạn phát triển khu công nghiệp sinh thái.

>>Doanh nghiệp BĐS KCN phía Nam 12 năm không chia cổ tức, cổ phiếu hễ nổi sóng là tăng 50-200%

Giai đoạn 1, thí điểm thực hiện từ năm 2014-2019 với 3 khu công nghiệp tại 3 tỉnh thành phố đại diện cho 3 miền, với những giải pháp can thiệp tại 72 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đạt được hiệu quả tiết kiệm tương đối lớn.

Giai đoạn 2, từ năm 2020 đến nay, triển khai tại các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP. HCM… là những địa phương có mật độ khu công nghiệp rất lớn. Quá trình triển khai hiện nay vẫn đang tiếp tục và dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2024, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 tại một số tỉnh thành phố khác.

“Thực tế, nỗ lực của các doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở những doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, mà đơn cử như khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điển hình của khu công nghiệp tư nhân trong việc chủ động thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững của Chính phủ”, bà Hiếu nêu.

Về cơ chế hỗ trợ, bà Hiếu nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái…

“Vai trò quan trọng của việc hỗ trợ thực hiện giải pháp khu công nghiệp sinh thái là ban quản lý các khu công nghiệp tại các tỉnh thành. Ban quản lý có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai thực hiện khu công nghiệp sinh thái”, bà Hiếu nêu.

>>‘Ông lớn’ bất động sản sàn HoSE sở hữu 4 dự án quy mô 4.300ha tại thị xã nổi tiếng giàu ở miền Nam vừa được duyệt lên thành phố

Hàng loạt khu công nghiệp, đô thị dọc đường vành đai sắp ‘mọc lên’ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

ĐHĐCĐ Gelex (GEX): Chuyển dần mô hình BĐS khu công nghiệp sang thành phố công nghiệp tích hợp

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pho-chu-tich-vcci-50-khu-cong-nghiep-chua-nghe-toi-khai-niem-khu-cong-nghiep-ben-vung-228282.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phó chủ tịch VCCI: '50% khu công nghiệp chưa nghe tới khái niệm khu công nghiệp bền vững’
    POWERED BY ONECMS & INTECH