Vĩ mô

Loại cá giúp Việt Nam 'bỏ túi' tỷ đô trong 7 tháng đầu năm, đứng số 1 thế giới về sản lượng

Phúc Lam 03/08/2024 - 21:16

Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cá tra khởi sắc

Được mệnh danh là "mỏ vàng tỷ đô", cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam với sản lượng hàng năm chiếm khoảng 30% tổng sản lượng nuôi trồng trên cả nước.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), năm 2023 sản lượng cá tra toàn cầu đạt khoảng 3,13 triệu tấn. Trong đó Việt Nam đã chiếm một nửa với 1,62 triệu tấn, dẫn đầu thế giới về sản lượng. Các quốc gia tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Cá tra phi lê đông lạnh mã HS 0304 vẫn là sản phẩm chủ lực, đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ, đồng thời ghi nhận sự tăng trưởng tại Tây Á, Trung Đông và châu Phi. Việt Nam hiện là nhà cung cấp cá tra chính tại các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất, chiếm 40-50% nguồn cung.

Loại cá giúp Việt Nam 'bỏ túi' tỷ đô trong 7 tháng đầu năm, đứng số 1 thế giới về sản lượng
Xuất khẩu cá tra tăng mạnh - Ảnh: Internet

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng khích lệ trong 7 tháng đầu năm 2024, với mức tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,09 tỷ USD. Tháng 7 chứng kiến sự bùng nổ với mức tăng 23%, trong khi các thị trường chính đều có mức tăng trưởng hai con số, ngoại trừ EU, tăng nhẹ 5%.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường hàng đầu, với giá trị xuất khẩu cá tra đạt 317 triệu USD, dù giảm nhẹ 2,3% so với năm trước. Thị trường này chủ yếu tiêu thụ cá tra cỡ lớn nguyên con và sản phẩm phi lê, đồng thời là điểm đến chính cho bong bóng cá tra. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu bong bóng cá tra đạt khoảng 50 triệu USD, trong đó 80% được xuất sang Trung Quốc.

Cuộc chạy đua của các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp sản xuất cá tra đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Bên cạnh việc xuất khẩu cá tra chế biến, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng toàn cầu với collagen và gelatin từ da cá tra. Ví dụ, công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, cung cấp 60-70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản phẩm collagen.

Bà Trần Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thủy sản Vĩnh Hoàn, cho biết Mỹ, Đức, Nhật Bản và Canada là những quốc gia hàng đầu về nhập khẩu collagen và gelatin (C&G) dạng bột, trong khi Trung Quốc đứng đầu về xuất khẩu C&G dạng bột.

Dự báo cuối năm, nhu cầu toàn cầu về cá tra sẽ tăng cao nhờ vào mùa lễ hội và kỳ nghỉ, tạo cơ hội để giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD trong năm 2024, tăng 6% so với năm trước.

>>Những con số ‘biết nói’ về nền kinh tế thị trường Việt Nam

Xanh hóa - chiến lược đột phá để Việt Nam thu hút đầu tư

Cán cân thương mại xăng dầu Việt Nam: Nhập khẩu 5 tỷ, xuất khẩu chỉ bằng 1/5

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loai-ca-giup-viet-nam-bo-tui-ty-do-trong-7-thang-dau-nam-dung-so-1-the-gioi-ve-san-luong-244164.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Loại cá giúp Việt Nam 'bỏ túi' tỷ đô trong 7 tháng đầu năm, đứng số 1 thế giới về sản lượng
POWERED BY ONECMS & INTECH