Vĩ mô

Mặt hàng 'nhỏ nhưng có võ' giúp Việt Nam chiếm 60% thị phần toàn cầu, là nguồn cung không thể thay thế của Mỹ

Phúc Lam 24/09/2024 - 09:55

Đây là mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8/2024, 19.420 tấn hồ tiêu của Việt Nam được xuất khẩu, thu về 116,7 triệu USD. So với tháng trước, lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 10,9% và giá trị giảm 10,1%.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 182.930 tấn, mang về gần 878 triệu USD. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước, giá trị lại tăng 42,8%.

Đặc biệt, trong tháng 8/2024, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ đạt kỷ lục với 8.570 tấn, ứng với trị giá 52,7 triệu USD. So với tháng trước, lượng và giá trị xuất khẩu tăng mạnh lần lượt 45,1% và 52,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng vọt 90,6% về lượng và gấp 2,9 lần về giá trị.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 51.802 tấn tiêu sang thị trường lớn số 1 thế giới, đạt 258,3 triệu USD, ghi nhận tăng 53,5% về lượng và 90,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của nước ta và Việt Nam cũng luôn duy trì vị trí là nguồn cung hồ tiêu chính vào thị trường Mỹ với thị phần chiếm khoảng 80% dung lượng nhập khẩu của thị trường.

Mặt hàng 'nhỏ nhưng có võ' giúp Việt Nam chiếm 60% thị phần toàn cầu, là nguồn cung không thể thay thế của Mỹ
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2024, Đức cũng là thị trường tăng cường nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam, vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ với thị phần tăng từ 3,3% lên 6,6%.

Trong tháng 8/2024, xuất khẩu hồ tiêu sang Đức đạt 1.080 tấn, trị giá 6,4 triệu USD. Mặc dù lượng và giá trị xuất khẩu ghi nhận giảm lần lượt 24,4% và 29,2% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2023, tăng mạnh với 74,2% về lượng và 2,4 lần về giá trị.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, 12.133 tấn tiêu của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này, đạt 63,7 triệu USD, tương ứng với mức tăng mạnh lên tới 97,5% về lượng và 151,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồ tiêu đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, đất nước ta tự hào dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Không chỉ là một gia vị quen thuộc, hồ tiêu còn thể hiện văn hóa ẩm thực và đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), do nhiều người nông dân chặt bỏ cây hồ tiêu khi hạ giá cách đây 4 năm trước để trồng những loại cây khác nên ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của nước ta chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm 2023, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang các thị trường chính đều ghi nhận tăng ở mức hai con số. Riêng Trung Quốc, xuất khẩu hồ tiêu trong 8 tháng đầu năm 2024 giảm mạnh 84,4% về lượng và 80,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 8.388 tấn, tương ứng trị giá 23,5 triệu USD.

Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo trong giai đoạn 2024-2032, mức tăng trưởng trung bình sẽ đạt hơn 20%. Ngành hồ tiêu của Việt Nam chiếm 40% sản lượng và 60% thị phần toàn cầu. Do vậy, dư địa phát triển ngành hồ tiêu của Việt Nam còn rất nhiều. Để nắm bắt cơ hội này, người nông dân cùng các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao chất lượng, đồng thời ứng dụng biện pháp chế biến sâu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

>>Loại quả giúp Việt Nam bỏ túi tỷ đô, sẵn sàng soán ngôi vương của Thái Lan

Lộ diện 6 thị trường xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam tại ASEAN

PMI tháng 8 tiếp tục trên ngưỡng 50 điểm, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng 5 tháng liên tiếp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mat-hang-nho-nhung-co-vo-giup-viet-nam-chiem-60-thi-phan-toan-cau-la-nguon-cung-khong-the-thay-the-cua-my-250072.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Mặt hàng 'nhỏ nhưng có võ' giúp Việt Nam chiếm 60% thị phần toàn cầu, là nguồn cung không thể thay thế của Mỹ
POWERED BY ONECMS & INTECH