Loài cây ‘vô sinh’ sắp biến mất khỏi tự nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có quần thể mọc tự nhiên
Loài cây này hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, luôn bị săn lùng bởi kẻ trộm.
Cây thủy tùng là một loài gỗ quý hiếm được ghi danh trong Sách đỏ Việt Nam, hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk. Với giá trị kinh tế cao và đặc tính độc đáo, loài cây này luôn nằm trong tầm ngắm của kẻ trộm và người săn lùng. Việc bảo tồn cây thủy tùng gặp nhiều thách thức, đặc biệt khi cả tỉnh chỉ còn 162 cây và không có cây nào sinh sản tự nhiên.
Thủy tùng, có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thuộc nhóm IA và là loài đặc hữu được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam. Hiện nay, loài cây này chỉ còn rải rác ở mọc rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Việt Nam là nước cuối cùng có thủy tùng và là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên.
Cây thủy tùng thường sống ở các vùng đầm lầy, mặc dù có một số cây phát triển trên các vùng cao. Tại Việt Nam, loài cây này chỉ còn tồn tại ở Đắk Lắk với 162 cá thể phân bố tại hai quần thể tự nhiên: 142 cây tại xã Ea Ral, huyện Ea H'leo, 19 cây ở huyện Krông Năng, và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ, trên tổng diện tích bảo tồn 124,7ha.
Một số cây trong số này là những cây cổ thụ gần 700 năm tuổi, được xem như báu vật quốc gia và di sản thiên nhiên vô giá. Dù cây có hoa và quả, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế sinh sản tự nhiên của chúng. Quả thủy tùng không có noãn, khiến cây không thể sinh sản, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Trả lời trên Báo Dân Việt, ông Võ Thành Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk), cho biết có nhiều quan niệm sai lầm về công dụng của cây thủy tùng, như khả năng trị ung thư hay diệt muỗi. Nhiều người tin rằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ thủy tùng mang lại bình an và may mắn. Tuy nhiên, giá trị thực sự của loài cây này nằm ở vẻ đẹp độc đáo và giá trị khoa học của gỗ. Gỗ thủy tùng có mùi thơm đặc trưng, không bị mối mọt và vân gỗ đẹp mắt. Đặc biệt, những cây khô nằm dưới nước lâu năm sẽ có lõi gỗ chuyển từ màu vàng sang xanh, tạo nên sự quý hiếm và độc đáo mà nhiều người ao ước sở hữu.
Thủy tùng hiện nay đã trở thành "miếng mồi béo bở" cho nhiều kẻ săn lùng. Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước không ít lần phải đối mặt với tình trạng đột nhập từ những đối tượng muốn khai thác loài cây này.
Một trong những vụ nổi bật xảy ra vào năm 2014, khi lợi dụng đêm mưa gió, một kẻ xấu đã lén lút đột nhập vào rừng và cắt ngọn của một cây thủy tùng quý. Khi lực lượng bảo vệ rừng phát hiện và chạy ra, kẻ xâm nhập nhanh chóng tẩu thoát, để lại hậu quả nghiêm trọng cho khu rừng.
Chưa dừng lại ở đó, vào rạng sáng ngày 19/5/2017, một nhóm đối tượng khác đã táo bạo đột nhập vào Khu Bảo tồn sinh cảnh Thông nước và cắt một phần ngọn của cây thủy tùng hơn 300 năm tuổi. May mắn thay, lực lượng bảo vệ rừng đã kịp thời phát hiện và bắt giữ một đối tượng, sau đó lần ra và tóm gọn thêm 6 người liên quan.
Để bảo vệ số lượng cây thủy tùng còn lại, Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước đã không ngừng nỗ lực, bất chấp những khó khăn trong việc tuần tra ngày đêm và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong các dịp lễ, Tết, công tác bảo vệ được thắt chặt hơn nữa, với nhiều chòi gác và cầu phao được dựng lên giữa rừng nhằm đảm bảo an ninh cho loài cây quý hiếm này.