Loạt ngân hàng thu hút tiền gửi tăng mạnh đầu năm
Tiền đổ về ngân hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm do nhiều kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi ở giai đoạn cuối năm.
Dòng tiền về đột biến
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) do ông Ngô Chí Dũng làm Chủ tịch vừa công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Lượng tiền gửi vào ngân hàng này tăng đột biến 28% trong nửa đầu năm lên gần 388.000 tỷ đồng. Đây con số rất cao so với mức tăng trưởng huy động 3,3% của toàn hệ thống.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của VPBank trong quý II ghi nhận mức tăng 23% so với quý trước đó. Tín dụng hợp nhất tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13%, cao gấp gần 3 lần so với mức 4,7% của toàn ngành.
Trong 6 tháng, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt gần 8.000 tỷ đồng.
Tại Techcombank do tỷ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch cũng ghi nhận dòng tiền đổ về mạnh. Theo báo cáo quý II, CASA của Techcombank tăng trở lại lên mức 34,9%. cao hơn mức 32,0% cuối quý 1.
Lãnh đạo ngân hàng dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng lên, có thể trở lại mốc 40%, khi lãi suất huy động giảm khá nhanh thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, nền kinh tế phục hồi nhanh.
Tới cuối tháng 6, Techcombank ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng 6,6% so với đầu năm lên gần 382.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng trong nửa đầu năm tăng 10,9% lên hơn 466.500 tỷ đồng.
Ngân hàng VietinBank ghi nhận nguồn vốn huy động tăng 6,2% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 6,6%.
Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank) ghi nhận tiền gửi của khách hàng tăng trưởng hơn 12% đạt ngần 46.400 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 37.900 tỷ đồng, tăng 14,2%.
Tại ngân hàng Bản Việt, tổng tài sản của BVBank tăng mạnh trở lại trong quý 2/2023, vượt qua mốc 80.000 tỷ, đạt 81.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt gần 53.900 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tốt trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức.
Nhóm khách hàng thuộc các ngành như sửa chữa ô tô/mô tô, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú/ăn uống, nông lâm nghiệp/thủy sản, sản xuất tiêu dùng là những ngành nghề có mức rủi ro thấp chiếm phần lớn trong danh mục dư nợ theo ngành của BVBank (tính đến 30/6/2023)
Tính đến 30/06/2023, tổng số dư huy động của BVBank đạt hơn 74.100 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cuối năm 2022. Trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 60.500 tỷ đồng, với cơ cấu hơn 80% tập trung ở các khách hàng nhỏ lẻ, tăng 1,36% so với cuối năm trước. Đặc biệt huy động vốn qua các kênh điện tử chiếm khoảng 30% trong tỏng huy động vốn.
Ngân hàng Sacombank do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch ghi nhận huy động vốn tăng gần 6% lên 549.000 tỷ đồng. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 10%.
Ngân hàng MSB ghi nhận tiền gửi tăng 7,8% lên 126.300 tỷ đồng. Tổng cho vay tăng 13,2% so với đầu năm lên 136.600 tỷ đồng.
TPBank của ông Đỗ Minh Phú có tổng huy động trong 6 tháng tăng 9,6% lên trên 302.000 tỷ đồng.
BacABank của bà Thái Hương thông báo, tiền gửi khách hàng tăng 8,7% lên gần 105.400 tỷ đồng.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) ghi nhận huy động vốn tăng nhẹ 2%, trong khi dư nợ tín dụng tăng 5,9%.
Nửa cuối năm ra sao?
Phần lớn các nhà băng ghi nhận lượng tiền gửi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm do lãi suất huy động nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức cao. Lợi nhuận của hầu hết ngân hàng đều tăng trưởng chậm lại, trong khi nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh 8,21% so với cuối năm ngoái lên 6,34 triệu tỷ đồng. Mặc dù lãi suất giảm, người dân vẫn ùn ùn gửi tiền vào ngân hàng. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45% xuống 5,74 triệu tỷ đồng.
Người dân chọn gửi tiết kiệm do nhiều kênh đầu tư khác trầm lắng, trong đó có bất động sản, chứng khoán, USD và vàng… Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ thay đổi trong nửa cuối năm.
Trong tháng 7, thị trường chứng khoán sôi động trở lại với mức tăng khá ấn tượng. VN-Index từ mức 1.120 điểm hồi cuối tháng 6 lên mức 1.207,67 điểm, tương đương mức tăng khoảng 7,8%. Đây là con số rất hấp dẫn so với lãi gửi tiết kiệm về dưới mức này cho cả năm.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng vọt lên ngưỡng tỷ USD/phiên. Dòng tiền đang tìm đến kênh này. Một số dự báo cũng mạnh dạn đề cập tới con số 1.300 điểm tới cuối năm.
Với sự sôi động và sự luân chuyển tăng giá giữa các nhóm cổ phiếu, dòng tiền được dự báo sẽ còn gia nhập kênh đầu tư này. Việc gửi tiền vào ngân hàng dự báo sẽ ít dần do lãi suất huy động có xu hướng giảm tiếp. Thanh khoản ngân hàng đang dồi dào.
Lãi suất qua đêm đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, nền kinh tế được dự báo sôi động hơn nửa cuối năm khi tỷ giá ổn định, lạm phát không cao và đầu tư công được đẩy mạnh, thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến tích cực…
Số liệu của NHNN cho thấy, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm gần đây đã giảm về mức 0,15-0,2%, quanh vùng đáy lịch sử ghi nhận trong giai đoạn nửa cuối năm 2020.
Cũng theo NHNN, tới cuối quý II/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với đầu năm.
NHNN mới đây cũng nhấn mạnh, thanh khoản của các ngân hàng thương mại dư thừa. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gia tăng sức cầu, từ việc giảm thuế VAT, thúc đẩy đầu tư công cũng như nỗ lực thúc đẩy hạ lãi suất và kiểm soát giá cả tăng cao.
Một số chuyên gia cho rằng, tăng trưởng cho vay của hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ được cải thiện dần, nhưng có thể không đột biến. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế sáng dần và đặc biệt, kinh tế thế giới hồi phục nhanh chóng là yếu tố khiến kỳ vọng về ngành ngân hàng vẫn khá tích cực.
Hôm 27/7, Mỹ công bố tăng trưởng 2,4% trong quý II/2023 (quý I tăng 2%), nhanh hơn nhiều so với dự đoán, qua đó cho thấy sẽ không có một cuộc suy thoái nào đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Kết quả tích cực là nhờ chi tiêu tiêu dùng với sự gia tăng đầu tư cố định phi dân cư, cùng chi tiêu của chính phủ và lượng hàng tồn kho.
Một nền kinh tế thế giới không còn xấu làm gia tăng kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh của các doanh nghiệp trong nước (đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu). Nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng nhanh.
Việc NHNN nới chỉ tiêu tín dụng hệ thống lên 14%, qua đó trung bình khoảng 180.000 tỷ đồng phải được giải ngân mỗi tháng trong nửa cuối năm 2023, cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.
Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2022 ở mức 11,9 triệu tỷ đồng (khoảng 500 tỷ USD), mức cho vay của toàn hệ thống ngân hàng tăng thêm theo chỉ tiêu sẽ là 1,67 triệu tỷ đồng (khoảng 70 tỷ USD).
Theo FiinGroup, dự kiến cả năm 2023, tổng thể lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán sẽ đi ngang. Trong đó, nhóm ngành tài chính vẫn dự kiến duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Đơn cử, ngân hàng tăng 13,6%, chứng khoán tăng 71,6%.
BIDV (BID) gia nhập cuộc đua tăng vốn, phát hành 1,2 tỷ cổ phiếu trả cổ tức
VPBank (VPB) ngừng toàn bộ giao dịch của một loại thẻ ghi nợ