Xã hội

Lũ bùng phát tại một hồ sông băng: Hơn 3.000 tỷ lít nước tràn ra, tương đương sản lượng của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới hoạt động liên tục trong 22 ngày

Minh Tài 23/12/2024 - 00:13

Khi lượng nước đạt đến điểm tới hạn, sông băng bị nâng lên, tạo ra một đường hầm tự nhiên dài 25km xuyên qua băng.

Theo IFL Science, trong vòng hơn hai tuần, từ ngày 23/9 đến 11/10, hơn 3.000 tỷ lít nước đã tràn ra từ hồ Catalina, một hồ sông băng ở Đông Greenland. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học theo dõi chi tiết hiện tượng lũ bùng phát tại một hồ sông băng và thu thập dữ liệu quan trọng giúp hiểu rõ hơn về tác động của các sự kiện tương tự trên toàn cầu.

Sông băng.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học theo dõi chi tiết hiện tượng lũ bùng phát tại một hồ sông băng (Ảnh: News.ku.dk)

Hồ Catalina, nằm trong thung lũng được chắn bởi sông băng Edward Bailey, đã tích tụ nước trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, khi lượng nước đạt đến điểm tới hạn, sông băng bị nâng lên, tạo ra một đường hầm tự nhiên dài 25km xuyên qua băng. Lượng nước khổng lồ này đã chảy vào Scoresby Sound, vịnh hẹp lớn nhất thế giới, khiến mực nước trong hồ Catalina giảm mạnh đến 154m.

Toàn bộ quá trình này được nhóm nghiên cứu từ Viện Niels Bohr thuộc Đại học Copenhagen giám sát bằng ảnh vệ tinh theo thời gian thực. Theo nhà nghiên cứu khí hậu Aslak Grinsted, năng lượng giải phóng từ trận lũ băng lần này tương đương với sản lượng của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới hoạt động liên tục trong 22 ngày.

Hiện tượng này, được gọi là lũ bùng phát ở hồ sông băng (Glacial Lake Outburst Flood, GLOF), thường xảy ra do các nguyên nhân tự nhiên như nước tích tụ quá mức, xói mòn, tuyết tan, mưa lớn, hoặc tác động từ động đất, núi lửa. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng góp phần gia tăng tần suất và quy mô của GLOF, khi nhiệt độ tăng làm sông băng tan nhanh hơn.

Bạn có thể nhận được một khoản vay từ nhà cung cấp dịch vụ của bạn
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng góp phần gia tăng tần suất và quy mô của GLO (Ảnh: Ynet News)

Grinsted cảnh báo: “Mối nguy hiểm từ các hồ băng bị bao quanh bởi đập băng đang tăng lên do ấm lên toàn cầu. Hiểu rõ hơn về hiện tượng này là điều cấp thiết, nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời để bảo vệ con người và tài sản”.

May mắn, đợt lũ này xảy ra ở khu vực ít dân cư, nên không gây ra thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2023 cho thấy, 15 triệu người trên thế giới, chủ yếu ở Ấn Độ, Pakistan, Peru và Trung Quốc, đang sống trong nguy cơ chịu ảnh hưởng của các trận lũ sông băng nguy hiểm.

Dù vậy, hiện tượng GLOF không chỉ mang đến nguy cơ mà còn mở ra cơ hội khai thác năng lượng xanh. Theo các nhà khoa học, năng lượng giải phóng từ sự kiện ở hồ Catalina đủ để cung cấp 50MW điện, đáp ứng nhu cầu của một thị trấn nhỏ. Mặc dù việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu vực khắc nghiệt như Greenland là thách thức lớn, triển vọng khai thác năng lượng từ hiện tượng này được xem là hướng đi đầy tiềm năng trong bối cảnh thế giới tìm kiếm các nguồn năng lượng bền vững.

>> Hang băng bất ngờ sụp đổ khiến 1 du khách thiệt mạng, 2 người mất tích

Lũ lụt và sạt lở ‘chôn vùi’ xe buýt, hàng chục người thương vong: Khẩn cấp triển khai công tác cứu hộ, huy động thiết bị hạng nặng đến hiện trường

Mô hình cảnh báo lũ lụt trước đến 7 ngày của Google: 100 quốc gia 'hưởng lợi', 700 triệu người dân được nâng cao an toàn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/lu-bung-phat-tai-mot-ho-song-bang-hon-3000-ty-lit-nuoc-tran-ra-tuong-duong-san-luong-cua-nha-may-dien-hat-nhan-lon-nhat-the-gioi-hoat-dong-lien-tuc-trong-22-ngay-132983.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lũ bùng phát tại một hồ sông băng: Hơn 3.000 tỷ lít nước tràn ra, tương đương sản lượng của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới hoạt động liên tục trong 22 ngày
    POWERED BY ONECMS & INTECH