Luật Công chứng (sửa đổi) thông qua: Siết chặt thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản
Quy định này loại trừ một số trường hợp như công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến quyền đối với bất động sản…
Ngày 26/11, Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 450/453 phiếu (chiếm 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý, thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản theo điều 44 Luật Công chứng (sửa đổi) mới thông qua có quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở”.
Tuy nhiên, quy định này loại trừ một số trường hợp như công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến quyền đối với bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng, cũng như công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hoặc hủy bỏ các giao dịch này theo quy định pháp luật.
Toàn cảnh buổi họp. Nguồn ảnh: Quốc hội |
Trước đó, theo báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình thảo luận, đã có ý kiến đề xuất không giới hạn thẩm quyền công chứng bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh với lập luận rằng công chứng viên, dù có quy định hay không vẫn có quyền từ chối công chứng nếu không đủ thông tin cần thiết về giao dịch.
Khi thông tin đã đầy đủ, công chứng viên sẽ thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm toàn diện về tính xác thực và hợp pháp của giao dịch.
Đồng thời, cũng có ý kiến yêu cầu lý giải rõ hơn việc loại trừ các trường hợp như di chúc, văn bản từ chối nhận di sản hay văn bản ủy quyền khỏi phạm vi điều chỉnh công chứng theo địa hạt cấp tỉnh.
>> Đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải rằng mô hình công chứng tại Việt Nam theo hệ thống La tinh, trong đó công chứng viên chịu trách nhiệm đảm bảo tính xác thực và hợp pháp của giao dịch, bao gồm cả đối tượng giao dịch.
Đối với bất động sản, ngoài việc kiểm tra giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong một số trường hợp cần thiết, công chứng viên phải xác minh thực tế tại nơi có bất động sản để bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng dùng chung trên toàn quốc. Chỉ một số ít địa phương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu này nhưng phần lớn thông tin vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt thiếu dữ liệu về chứng thực hợp đồng, giao dịch do hạn chế nguồn nhân lực.
“Việc thực hiện công chứng bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh sẽ hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro về công chứng, chứng thực nhiều lần đối với một bất động sản tại một thời điểm, đồng thời bảo đảm thực hiện thống nhất, tránh việc áp dụng pháp luật tùy nghi phụ thuộc vào ý chí của từng công chứng viên, có thể gây ra sơ hở, lạm dụng”, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh minh họa |
Cơ quan này cũng cho hay nhiều quốc gia trên thế giới có hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng hoàn thiện nhưng vẫn áp dụng thẩm quyền công chứng theo địa hạt như Đức, Trung Quốc...
Do vậy, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về nội dung này trên cơ sở tổng kết thực tiễn và phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định việc loại trừ di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản ra khỏi phạm vi công chứng theo địa hạt là phù hợp.
Lý do bởi tuy đây đều là các giao dịch liên quan đến bất động sản nhưng hậu quả pháp lý của văn bản công chứng chưa dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản, tính rủi ro chưa cao nên không nhất thiết phải hạn chế công chứng theo địa hạt.
Mặt khác, nội dung này kế thừa quy định hiện hành, nhằm bảo đảm hài hòa giữa việc kiểm soát tính an toàn đối với các giao dịch liên quan đến bất động sản và đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của người dân.
>> Dự án Hado Charm Villas của Hà Đô (HDG) sắp mở bán 108 sản phẩm cuối cùng?