Lý do mạng xã hội Việt Nam khó 'có cửa' cạnh tranh với Google, Facebook

26-04-2024 06:54|Trọng Đạt

Nền tảng xuyên biên giới có ít nghĩa vụ hơn so với mạng xã hội trong nước. Tình trạng 'bảo hộ ngược' vẫn còn xảy ra với các doanh nghiệp kinh doanh trên Internet tại Việt Nam.

Sáng 25/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023. Đây là năm thứ 6 VCCI công bố báo cáo, trong đó ghi lại những vấn đề đáng chú ý trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về kinh doanh. 

Vẫn còn “bảo hộ ngược” cho các nền tảng xuyên biên giới

Các quốc gia thường có xu hướng ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này là dễ hiểu bởi các chính phủ thường cố gắng phát triển nội lực nền kinh tế, với đội ngũ doanh nghiệp trong nước. 

Tuy nhiên, theo VCCI, ở lĩnh vực kinh tế số, hiện vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. 

Báo cáo Dòng chảy pháp luật chỉ ra, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và kinh doanh dịch vụ Internet có quy định về điều kiện quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Khi so sánh quy định giữa các chủ thể, VCCI nhận thấy, dường như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được áp dụng các biện pháp quản lý thông thoáng, nhẹ nhàng và ít nghĩa vụ so với các doanh nghiệp trong nước.

W-mang-xa-hoi-mxh-facebook-1.jpg
Facebook hiện là mạng xã hội nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

VCCI chỉ ra rằng, có sự khác biệt giữa thủ tục hành chính mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới cần thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp xuyên biên giới sẽ phải thực hiện thủ tục thông báo nếu lượt truy cập hằng tháng từ Việt Nam ở mức 100.000 lượt trở lên. 

Với các doanh nghiệp Việt Nam, họ phải thực hiện thủ tục cấp phép nếu có lượt người truy cập hằng tháng từ 10.000 cho đến dưới 100.000 lượt. Với những mạng xã hội trong nước có trên 100.000 lượt truy cập hằng tháng trở lên, giấy phép của họ có thời hạn tối đa 10 năm. Các doanh nghiệp trong nước cũng phải gia hạn khi giấy phép hết hiệu lực. 

Theo VCCI, từ những số liệu trên, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam được coi là “lớn” khi đạt mức 10.000 người truy cập/tháng, tức chỉ bằng 1/10 ngưỡng “lớn” của các doanh nghiệp xuyên biên giới. Lý do đặt ra ngưỡng 10.000 bởi chỉ một số ít doanh nghiệp trong nước đạt ngưỡng này, chứ chưa nói đến ngưỡng 100.000 lượt truy cập.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có quy mô tương đối nhỏ, không ảnh hưởng quá lớn đến lợi ích công. Do đó, không cần áp dụng biện pháp chặt chẽ như cấp phép.

W-vcci-mxh-1-1.jpg
Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện nhóm nghiên cứu Ban Pháp chế của VCCI. Ảnh: Trọng Đạt

Theo báo cáo của VCCI, không chỉ ở mặt quy định, doanh nghiệp Việt cũng chịu sự phân biệt đối xử trong quá trình thực thi trên thực tế. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, cùng một lỗi vi phạm, doanh nghiệp Việt sẽ bị lập biên bản và xử phạt ngay, trong khi các doanh nghiệp ngoại dường như lại "thoải mái" hơn. Cơ quan quản lý chỉ gửi yêu cầu doanh nghiệp ngoại phối hợp gỡ bỏ, thậm chí không có bất kỳ án phạt nào.

VCCI cho hay, các doanh nghiệp không phàn nàn việc bị xử phạt. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp băn khoăn là việc không công bằng trong việc xử phạt giữa doanh nghiệp nội và ngoại, từ đó dẫn đến môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này trở nên kém thuận lợi cho các doanh nghiệp nội.

Môi trường pháp lý khiến mạng xã hội trong nước khó cạnh tranh nước ngoài

Theo ông Nguyễn Minh Đức, đại diện nhóm nghiên cứu Ban Pháp chế của VCCI, mạng xã hội là loại hình kinh doanh mà VCCI đánh giá các quy định pháp luật khiến doanh nghiệp nội chịu quy định nặng nề hơn so với doanh nghiệp ngoại. 

Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thủ tục cấp phép nặng nề hơn so với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới. Các nghĩa vụ phải thực hiện của doanh nghiệp Việt Nam cũng lớn hơn nhiều. 

Có một số nghĩa vụ riêng mà chỉ mạng xã hội trong nước phải tuân thủ, ví dụ như thu thập thông tin người dùng nhiều hơn, mạng xã hội nước ngoài không phải thu thập số chứng minh thư, căn cước công dân của người sử dụng, nhưng mạng xã hội trong nước lại phải thu thập những thông tin này”, ông Đức nêu dẫn chứng. 

Lý giải về việc ít xử phạt, yêu cầu với các nền tảng nước ngoài, theo ông Đức, Việt Nam đang không có những quy định hiệu lực ngoài lãnh thổ. Chuyên gia của VCCI cho rằng, các mạng xã hội Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với các mạng xã hội nước ngoài trong môi trường pháp lý như vậy. 

Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân

Sử dụng mạng xã hội dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sao cho an toàn?

Bắt 2 Giám đốc làm giả thức ăn thủy sản thu lợi số tiền lớn

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ly-do-mang-xa-hoi-viet-nam-kho-co-cua-canh-tranh-google-facebook-2274519.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Lý do mạng xã hội Việt Nam khó 'có cửa' cạnh tranh với Google, Facebook
POWERED BY ONECMS & INTECH