Lý giải nguyên nhân giá dầu thế giới "bốc hơi" 30% trong tuần qua

16-03-2022 15:29|Thanh Huyền

Tuần đầu tiên của tháng 3/2022, giá dầu WTI tăng 26% và dầu Brent tăng 21%, mức tăng nhiều nhất kể từ giữa năm 2020. Chỉ chưa đầy 2 tuần sau đó, giá dầu đột ngột đảo chiều lao dốc hơn 30%.

Giá dầu giảm hơn 6% vào hôm qua 15/3 xuống mức thấp nhất trong gần ba tuần, sau khi Nga đề xuất trong tương lai sẽ cho phép khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và các nhà giao dịch lo ngại đại dịch đang gia tăng ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu.

Giá cả dầu Brent và dầu Mỹ đều giảm xuống dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2.

So với thời điểm giá đạt mức cao nhất 14 năm, vào ngày 7/3, giá dầu Brent đã mất gần 40 USD, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) mất hơn 30 USD. Giao dịch mặt hàng này cực kỳ biến động kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, cách đây hơn 2 tuần.

Phiên 15/3, giá dầu Brent giảm mạnh, 6,99 USD, tương đương 6,5% xuống 99,91 USD/thùng; Dầu Tây Texas (WTI) của Mỹ giảm 6,57 USD, tương đương 6,4% xuống 96,44 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm xuống 97,44 USD, còn WTI giá 93,53 đô la, mức thấp nhất kể từ ngày 25 tháng 2.

Trên biểu đồ kỹ thuật, cả hai hợp đồng đều di chuyển đến gần sát vùng bán quá mức nhiều nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, trái ngược với vị trí mua quá mức hồi đầu tháng 3, khi dầu Brent có lúc đạt 139 USD/thùng.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Nhiều người mua dầu đã tránh xa dầu Nga kể từ khi nước này triển khai quân sự ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung đối với hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Những nỗi sợ hãi đó có vẻ đã bị đánh giá quá mức.

Hôm thứ Ba (15/3), một nhà đàm phán Ukraine cho biết các cuộc đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn và rút quân Nga khỏi Ukraine đang diễn ra. Thị trường dầu mỏ ngay sau đó đã rơi vào tình trạng bán tháo, đẩy giá giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều người dự báo những biến động như hiện tại sẽ còn tiếp diễn.

Cũng trong ngày thứ Ba, Nga cho biết họ đã viết văn bản đảm bảo rằng họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là một bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran, cho thấy Moscow sẽ cho phép tiếp tục hồi sinh hiệp ước năm 2015 - đã bị phá vỡ. Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran và cho phép Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu thô. Tiến trình đàm phán này đã bị đình trệ vì yêu cầu của Nga.

Trong khi đó, bất chấp việc các nước phương Tây trừng phạt Nga do xung đột với Ukraine, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga. Theo đó, Ấn Độ cho biết có thể chấp nhận đề nghị của Nga để mua dầu thô và các mặt hàng khác với giá chiết khấu, trong một dấu hiệu cho thấy Delhi muốn giữ chân đối tác thương mại quan trọng của mình. Ấn Độ là một quốc gia nhập khẩu 80% nhu cầu dầu, và thường chỉ mua khoảng 2-3% từ Nga. Nhưng với giá dầu tăng 40% từ đầu năm đến nay, Chính phủ nước này đã quyết định xem xét tăng tỷ lệ mua này nếu có thể giúp giảm hóa đơn năng lượng đang ở mức quá cao.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 15/3 cho biết nhu cầu dầu trong năm 2022 phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine và lạm phát gia tăng khi giá dầu thô tăng cao, làm tăng khả năng tiêu thụ thực tế sẽ giảm so với những dự báo trước đây. Trong báo cáo hàng tháng vừa công bố, OPEC vẫn giữ quan điểm rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 4,15 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2022 và tăng nâng dự báo nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô do tổ chức này sản xuất.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là, chỉ cách đây một tháng, OPEC đưa ra khả năng nhu cầu sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2022, còn lần này cho biết cuộc chiến ở Ukraine và mối lo về dịch Covid-19 tiếp diễn sẽ có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đến tăng trưởng toàn cầu.

Trong báo cáo của mình, OPEC cho biết: "Nhìn về phía trước, những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát gia tăng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ tác động đến nhu cầu dầu ở nhiều khu vực khác nhau".

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 mới bùng phát trở lại ở Trung Quốc, nơi chứng kiến số ca nhiễm hàng ngày tăng vọt. Điều đó có thể làm chậm lại tốc độ tiêu thụ nhiên liệu, nhất là khi quốc gia này đang chuyển sang trạng thái phong tỏa/giãn cách nhiều địa phương.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư (16/3) lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây để chống lại lạm phát tăng vọt. Điều này có thể đẩy USD tăng giá mạnh, và kéo theo giảm nhu cầu đối với dầu mỏ và các hàng hóa khác được định giá bằng đồng bạc xanh.

Dữ liệu sơ bộ từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của quốc gia này đã tăng 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/3 trong khi dự trữ xăng giảm 3,8 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 888.000 thùng. Dữ liệu chính thức Chính phủ Mỹ sẽ công bố trong ngày 16/3.

Giá xăng dầu hôm nay 12/12: thế giới tăng, trong nước hạ nhiệt

Khởi tố 7 người trong vụ lập khống hơn 1.800 phiếu cấp nhiên liệu cho Công ty Hoa Sen

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ly-giai-nguyen-nhan-gia-dau-the-gioi-boc-hoi-30-trong-tuan-qua-132586.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lý giải nguyên nhân giá dầu thế giới "bốc hơi" 30% trong tuần qua
    POWERED BY ONECMS & INTECH