Mì ăn liền tôm chua Gấu Đỏ bị Đài Loan "tuýt còi"

18-11-2022 11:55|Xuân Quỳnh

Bộ Công Thương vừa có văn bản cho biết sản phẩm mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu đỏ bị phía Đài Loan phát hiện hàm lượng EO không phù hợp với tiêu chuẩn.

Theo văn bản của Bộ Công Thương, ngày 15/11/2022, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) công bố lô hàng 500 CTN (945 kg) mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ của nhà sản xuất/xuất khẩu ASIA FOODS CORPORATION, do Doanh nghiệp QIAN YU FOOD ENTERPRISE CO., LTD nhập khẩu, qua kiểm tra tại cửa khẩu, phát hiện hàm lượng Etylen oxit (EO) không phù hợp tiêu chuẩn.

Trong đó, hàm lượng Etylen Oxit được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438 mg/kg) mà còn ở cả vắt mì (0,107 mg/kg).

Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu CTCP Thực phẩm Á Châu báo cáo việc mì ăn liền Gấu Đỏ bị cho là có hàm lượng Etylen Oxit không phù hợp.

Để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị CTCP Thực phẩm Á Châu khẩn trương báo cáo:

Thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm (tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm) do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022 và quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty;

Đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện Etylen Oxit trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.

Để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị CTCP Thực phẩm Á Châu khẩn trương báo cáo về các loại sản phẩm thực phẩm (tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm) do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022 và quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.

Cùng đó, CTCP thực phẩm Á Châu phải có báo cáo đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện Etylen oxit trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.

Điều đó sẽ giảm thiểu cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu CTCP Thực phẩm Á Châu gửi báo cáo của công ty về Bộ Công Thương trước ngày 25/11.

Trước đó, sau nhiều vụ việc mì ăn liền bị cảnh báo, Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Công thương đã nhiều lần khẳng định Việt Nam chưa ban hành quy định việc sử dụng Ethylene Oxit trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng chất này trong thực phẩm.

Theo vụ này, quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau. Do đó, với các quy định khác nhau thì tiêu chuẩn về chất Etylen Oxit có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác...

Etylen oxit hay còn gọi là oxiran, là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế v.v… nhằm diệt khuẩn Salmonella).

Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.

Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.

Hiện nay, các chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.

Quốc gia/ khu vựcQuy định giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm
EUTùy loại thực phẩm/phụ gia mà giới hạn nằm trong khoảng 0,02 – 0,2 mg/kg (tổng hàm lượng EO và 2-chloroethanol)
Hoa KỳTrong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng: 7 mg/kg đối với EO; 940 mg/kg đối với 2-chloroethanol
CanadaTrong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng: 7 mg/kg đối với EO; 940 mg/kg đối với 2-chloroethanol
Hàn QuốcGiới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg đối với thực phẩm cho trẻ sơ sinh.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn mì gói hằng ngày?

Kết hợp công nghệ Nhật và hương vị Việt, Acecook Việt Nam hái ‘trái ngọt’

'Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm' gây sốt mạng xã hội, doanh thu bất ngờ tăng vọt gấp 612 lần

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mi-an-lien-tom-chua-gau-do-bi-dai-loan-tuyt-coi-158747.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Mì ăn liền tôm chua Gấu Đỏ bị Đài Loan "tuýt còi"
POWERED BY ONECMS & INTECH