Trước tình trạng bị lợi dụng thanh toán cho các hình thức kinh doanh vi phạm pháp luật, đại diện MoMo và ZaloPay cho rằng, đã liên tục nỗ lực để ngăn chặn vấn đề này.
Với việc sử dụng hình thức chuyển tiền giữa cá nhân với nhau qua ví điện tử, tài khoản ngân hàng, đang giúp các đối tượng kinh doanh phi pháp tại Việt Nam thu lợi bất chính. Các giao dịch này được thực hiện nhanh chóng, tức thời, các ngân hàng cũng như các tổ chức ví điện tử rất khó có thể xác định được mục đích của giao dịch chuyển tiền để ngăn chặn. VietNamNet xin giới thiệu chuỗi bài viết về vấn đề này.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo cho biết, dịch vụ ví điện tử do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, như bất kỳ dịch vụ nào khác, ngân hàng hay cổng thanh toán, dịch vụ ví điện tử cũng có thể bị lợi dụng cho hoạt động bất hợp pháp, trong đó, có hoạt động đánh bạc online như thông tin được các cơ quan truyền thông đã phản ánh.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, các doanh nghiệp ví điện tử như MoMo hoàn toàn không có lợi ích gì khi bị tội phạm lạm dụng. Doanh nghiệp chỉ có lợi khi khách hàng thanh toán mua các dịch vụ trên ví, còn chuyển tiền hiện nay là dịch vụ miễn phí. Công ty đã kiên quyết ngăn chặn vấn nạn lợi dụng ví điện tử để đánh bạc online thể hiện qua những hành động, nỗ lực của mình trong suốt thời gian qua.
Trong năm 2022, MoMo phối hợp với 318 cơ quan, đơn vị công an trung ương và địa phương, cung cấp thông tin cho hơn 1.500 vụ việc điều tra, được các cơ quan chức năng đánh giá cao và ghi nhận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết, gần đây xảy ra tình trạng cách đưa thông tin của một số đơn vị truyền thông về việc các đối tượng vi phạm pháp luật dùng mã giao dịch của ngân hàng, ví điện tử, cổng thanh toán… để tổ chức đánh bạc đã gây ra nhiều sự hiểu nhầm. Ông Diệp khẳng định, hoàn toàn không có tình trạng tổ chức đánh bạc trên nền tảng này. Các đối tượng xấu lợi dụng mã giao dịch thanh toán để thực hiện hành vi đánh bạc.
Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay cũng chia sẻ, trong suốt quá trình cung ứng dịch vụ, ví điện tử này đã liên tục đầu tư, nghiên cứu, áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ khủng bố; hay các quy định riêng trong lĩnh vực trung gian thanh toán như các quy định nhận biết, xác minh khách hàng, liên kết ngân hàng... để cố gắng tối đa ngăn ngừa hành vi lợi dụng thanh toán cho các dịch vụ vi phạm pháp luật.
Đồng thời, nhận thức được các vấn đề xã hội gồm hoạt động mua bán, cho mượn thông tin định danh, tài khoản ngân hàng, lừa đảo khách hàng tiết lộ thông tin, đặc biệt là việc các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin của người tiêu dùng… nên doanh nghiệp thường xuyên truyền thông cho khách hàng để cảnh báo hành vi gian lận, lừa đảo, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Công ty cũng liên tục đầu tư nghiên cứu, đánh giá, nâng cấp các giải pháp để hỗ trợ rà soát, kịp thời phát hiện các giao dịch bất thường và các hành vi vi phạm nêu trên. Song song đó, ZaloPay phối hợp cùng ngân hàng liên tục hoàn thiện các quy trình để hỗ trợ xác minh, xác thực thông tin khách hàng khi họ tạo tài khoản và liên kết ví điện tử.
Ngoài ra, công ty cũng nỗ lực triển khai hệ thống giám sát giao dịch nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý nhanh chóng các trường hợp giao dịch bất thường, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng trước những cám dỗ và hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, đại diện ZaloPay cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, với sự phát triển của công nghệ, các nhóm đối tượng thường xuyên thay đổi cách thức, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật một cách tinh vi và phức tạp hơn (như một số báo chí đã đưa tin thì đối tượng sử dụng cả công nghệ AI, thay đổi nhanh chóng cách thức từ mã giao dịch sang mã thời gian, thay đổi thường xuyên tài khoản nhận tiền, hướng dẫn người tiêu dùng các cách thức khác nhau như dùng ký hiệu, chữ số, dãy số, mật mã... để lách hệ thống nhận diện dấu hiệu bất thường của các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán...). Vì vậy, việc phát hiện và ngăn ngừa các dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn để kịp thời cảnh báo, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với ViettelPay, đại diện ví điện tử không đưa ra bình luận gì về vấn đề này.
Bài 3: Ví điện tử mong kết nối CSDL quốc gia về dân cư để hạn chế thanh toán phi pháp
Những lần đặt cược của 'kỳ lân' MoMo
Ví điện tử MoMo công bố định vị thương hiệu mới, muốn lùi lại phía sau