Quốc tế

Một kim loại giá rẻ khiến các nhà sản xuất xe điện phương Tây đổ xô đến Nam Phi

Quỳnh Vân 03/01/2024 - 14:16

Đây là nơi có nhà máy lọc mangan lớn nhất ngoài Trung Quốc. Thứ kim loại có thể thay thế các khoáng chất đắt tiền và hiếm có khác để sản xuất pin xe điện.

Một công ty ở ngoại ô Công viên Quốc gia Kruger của Nam Phi đã tình cờ lật ngược tình thế trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô phương Tây nỗ lực chuyển chuỗi cung ứng xe điện của họ ra khỏi Trung Quốc.

Manganese Metal Co (MMC), có trụ sở tại thị trấn Mbombela, là công ty có tiếng tăm nhất trong số ít các nhà tinh chế mangan sử dụng trong pin xe điện bên ngoài Trung Quốc. Được sử dụng chủ yếu để sản xuất thép, mangan đang dần thay thế các khoáng chất đắt tiền và khó tìm như coban và niken để sử dụng trong pin lithium-ion.

Nam Phi là nước sản xuất quặng mangan số 1 thế giới, song Trung Quốc mới là nước tinh chế hơn 90% mangan sử dụng trong pin xe điện. Sự thống trị này làm dấy lên mối lo ngại giữa các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Mỹ, về sự phụ thuộc của họ vào Bắc Kinh trong nỗ lực khử cacbon cho hệ thống giao thông và năng lượng.

MMC tiếp nhận và khai thác chặt chẽ quặng ở sa mạc Kalahari. Những viên đá đen nhỏ được nghiền thành bột trước khi hòa tan trong axit và được tinh chế bằng hỗn hợp hóa chất. Dung dịch mangan tinh khiết sau đó sẽ được đưa vào bể chứa, chiết tách thành thể rắn rồi rửa sạch, sấy khô trước khi đóng gói và vận chuyển.

Hiện tại, hơn một nửa kim loại mangan tinh chế tại MMC được xuất khẩu sang Nhật Bản, nơi một phần sẽ được sử dụng bởi Panasonic - công ty cung cấp pin cho xe Tesla - và các nhà sản xuất linh kiện pin khác. Theo công ty, khoảng 1/3 đến Mỹ và 10% đến châu Âu.

Một kim loại giá rẻ khiến các nhà sản xuất xe điện phương Tây đổ xô đến Nam Phi
Quặng mangan được hòa tan và tinh chế trong các bể chứa tại nhà máy Mbombela. Ảnh: WSJ

Giám đốc điều hành của MMC, Louis Nel, cho biết hầu như mọi nhà sản xuất ô tô và pin lớn của phương Tây đều đến thăm công ty của ông trong 2 năm qua, khi họ tìm cách kết nối các chuỗi cung ứng mới ngoài Trung Quốc.

"Thị trường tràn ngập những người đang tìm kiếm mangan tinh chế", Nel nói và chia sẻ thêm rằng MMC đang đàm phán về các thỏa thuận cung cấp tiềm năng với một số công ty phương Tây.

Ông Nel kỳ vọng khoảng 26% mangan đã tinh chế của MMC sẽ được sử dụng cho ngành công nghiệp pin trong năm nay, tăng từ mức 8% vào năm 2015. Phần còn lại được dùng để sản xuất thép và nhôm đặc biệt, vốn cũng yêu cầu mangan tinh chế cao cấp.

Kim loại của công ty này đắt hơn nhiều so với kim loại của Trung Quốc, phần lớn là do chi phí sản xuất cao liên quan đến các quy định nghiêm ngặt hơn về lao động và môi trường cũng như chi phí điện cao ở Nam Phi.

Nhưng Nel cho biết đây là mức phí mà khách hàng sẵn sàng trả vì chất lượng ổn định cũng như các giải pháp riêng biệt mà công ty cung cấp.

Tại Mỹ, mangan của MMC có tính cạnh tranh cao hơn nhờ Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi, cho phép một số sản phẩm như mangan tinh chế tiếp cận thị trường miễn thuế.

Hiện công ty đang trong quá trình mở rộng với khoản đầu tư hơn 500 triệu rand Nam Phi (tương đương 27 triệu USD). Số vốn này sẽ cho phép công ty sản xuất 5.000 tấn mangan sunfat có độ tinh khiết cao, bên cạnh 28.000 tấn kim loại mangan nguyên chất 99,9% mà công ty đang sản xuất.

Được biết họ cũng có kế hoạch bắt đầu xây dựng một nhà máy mới có khả năng sản xuất 30.000 tấn mangan mỗi năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.

>> Xuất hiện nguồn khoáng chất mới có thể thay thế lithium, hứa hẹn làm rung chuyển ngành xe điện

Năm 2024, 9 mẫu xe điện tại Mỹ được hưởng trợ cấp 7.500 USD, chưa có xe Việt

BYD sắp xây dựng nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên tại ‘vùng đất vàng’ của châu Âu

Loạt chính sách trợ cấp xe điện hấp dẫn của các quốc gia trên thế giới

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-kim-loai-gia-re-khien-cac-nha-san-xuat-xe-dien-phuong-tay-do-xo-den-nam-phi-218195.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Một kim loại giá rẻ khiến các nhà sản xuất xe điện phương Tây đổ xô đến Nam Phi
POWERED BY ONECMS & INTECH