Quốc tế

Một quốc gia bùng nổ đáng kinh ngạc, hưởng lợi lớn trong lúc thế giới hỗn loạn

Quỳnh Vân 28/11/2023 - 10:43

Với nền kinh tế đa dạng và ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang thu hút rất nhiều các công ty đa quốc gia và đầu tư nước ngoài.

Một quốc gia bùng nổ đáng kinh ngạc, hưởng lợi lớn khi thế giới hỗn loạn

Từ ngày 30/11, gần 70.000 người từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Dubai để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên Hợp Quốc. Sự kiện kéo dài 12 ngày thu hút đông đảo các nhà ngoại giao, doanh nhân và các nhà hoạt động xã hội trên toàn thế giới. Nhìn về phía những tòa nhà chọc trời hào nhoáng nằm rải rác trên bờ biển, ta có thể thấy được một thành phố - một quốc gia đang ở giữa thời kỳ bùng nổ đáng kinh ngạc.

Giá năng lượng tăng đột biến vào năm ngoái đã mang lại cho Tiểu vương quốc chuyên sản xuất dầu doanh thu hơn 100 tỷ USD. Nhưng dầu mỏ không phải là lý do duy nhất khiến đất nước này thịnh vượng. Trong thời kỳ thế giới có nhiều xung đột cả về địa chính trị và kinh tế, UAE dường như là “một bến cảng trong cơn bão”. Các công ty đa quốc gia đang xây dựng các nhà máy và văn phòng với tốc độ chưa từng thấy trong 5 thập kỷ độc lập của UAE.

Vị thế của UAE trên thế giới dường như cũng đang tăng lên nhanh chóng. Việc tổ chức Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 28 (COP28) tại đây là một minh chứng. Với sức hấp dẫn có được nhờ sự cởi mở về kinh tế và cách tiếp cận phi chính trị trong kinh doanh, UAE là một trong số ít nơi mà người Mỹ, Trung Quốc, Iran, Israel và Nga đều tập trung có mặt.

Dẫu vậy, UAE vẫn còn đó những thách thức. Khi dầu mỏ trở nên ít quan trọng hơn đối với nền kinh tế, chính phủ sẽ bắt đầu tiến hành thu thuế và đòi hỏi nhiều hơn ở khu vực tư nhân. Chưa kể vấn đề thiếu kiểm soát đối với quyền lực của các nhà lãnh đạo có thể dẫn đến việc đưa ra chính sách tùy tiện và thiếu cân nhắc, đặc biệt là trong quan hệ đối ngoại.

Một quốc gia bùng nổ đáng kinh ngạc, hưởng lợi lớn khi thế giới hỗn loạn
Tăng trưởng GDP của UAE vượt trội trên thế giới. Nguồn: The Economist

Nền kinh tế rộng mở và sự đa dạng hóa

giàu tài nguyên dầu mỏ, các nhà lãnh đạo UAE vẫn nằm trong số những người đầu tiên ở vùng Vịnh cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế. Dubai, nơi có ít dầu mỏ nhất, dẫn đầu con đường này bằng việc tạo ra các khu kinh tế ít quy định và mức thuế thấp nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù cần sự cứu trợ từ Abu Dhabi sau vụ sụp đổ bất động sản vào năm 2009, nhưng UAE vẫn thành công biến mình thành trung tâm thương mại, vận tải và tài chính.

Trong chỉ số về tự do kinh tế do Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn Mỹ biên soạn, UAE đứng thứ 24/176 quốc gia - cao hơn Mỹ một bậc.

“Mọi người đều nghĩ về mặt thương mại và không ai nghĩ về mặt chính trị,” một doanh nhân người Israel có văn phòng lớn ở Dubai nhận xét. Trong một chuyến đi đến đất nước này vài tuần sau khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bắt đầu, anh nhận thấy UAE vẫn luôn dành cho nhà đầu tư sự chào đón nồng nhiệt như mọi khi.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp mở văn phòng ở Dubai với tốc độ chóng mặt: số lượng doanh nghiệp mới gia nhập phòng Thương mại của thành phố đã tăng hơn 40% trong nửa đầu năm so với năm 2022. 1/5 thuộc về các công ty Ấn Độ ; số lượng công ty từ Trung Quốc và các nơi khác ở Trung Đông cũng tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, Abu Dhabi cũng đạt được một số thành công trong việc thu hút các công ty tài chính.

Không chỉ vậy, sự thờ ơ trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đã biến nơi đây trở thành thiên đường cho các doanh nghiệp từ những nơi bị tẩy chay. Dầu Iran thường được được pha trộn với các dầu thô khác và bán đi trên biển ngoài vùng lãnh thổ Fujairah. Dubai trở thành nơi tài trợ và giao thương hàng hóa sau khi các thương nhân ở Geneva bắt đầu tránh xa dầu thô của Nga. Ở Hồng Kông, các đợt đóng cửa dường như không bao giờ kết thúc trong thời kỳ đại dịch đã khiến một số chuyên gia của họ chạy đến Dubai, nơi hạn chế về Covid chỉ kéo dài ba tháng.

Rải tiền ở khắp nơi

Thế nhưng một quốc gia nhỏ chỉ có thể thu hút được một phần nhỏ doanh nghiệp, đó là lý do tại sao UAE mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Các quỹ quốc gia đa dạng của họ có tài sản lên đến hơn 1,5 nghìn tỷ USD trong mọi lĩnh vực kinh doanh.

Các nước đang phát triển cũng được chú ý đến. UAE hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi. “Chúng tôi đang nhân bản thành công của Dubai tại các quốc gia châu Phi,” Sultan Ahmed bin Sulayem, ông chủ của công ty dp World, cho biết.

Năm 2022, một liên doanh của UAE đã ký thỏa thuận đầu tư 6 tỷ USD vào một dự án cảng và nông nghiệp ở Sudan. Ở Rwanda, Dp World đầu tư vào Trung tâm Vận tải Đường bộ, còn ở miền nam Châu Phi, họ đổ vốn vào một công ty logistics.

Năm 2006, UAE bắt đầu đầu tư vào năng lượng tái tạo bằng việc thành lập một công ty tên là Masdar để đa dạng hóa nguồn cung cấp và xây dựng chuyên môn về năng lượng. Hiện nay, Masdar được coi là một trong những công ty phát triển điện gió và năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới.

Các quan chức của Tiểu vương quốc Ả Rập hy vọng sẽ đạt được kỳ tích tương tự trong ngành công nghiệp mới nổi khác: trí tuệ nhân tạo. Với nguồn vốn khủng cùng các nhà nghiên cứu tài năng từ phương Tây và Trung Quốc, một viện nghiên cứu được thành lập. Kết quả là Falcon, một mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở do nước này phát triển được một số chuyên gia công nghệ đánh giá là tốt hơn cả sản phẩm của Meta.

UAE cũng cố gắng thúc đẩy lợi ích thương mại của mình thông qua một loạt các thỏa thuận kinh tế và đầu tư song phương. Họ là một trong những bên ký kết đầu tiên của Hiệp định Abraham, theo đó quan hệ với Israel sẽ được thiết lập ở một số quốc gia Ả Rập.

Ấn Độ, lần đầu tiên sau một thập kỷ, đã ký hiệp định thương mại tự do với UAE vào năm ngoái. Thương mại song phương kể từ đó đã tăng 16% về mặt danh nghĩa. Một thỏa thuận tương tự cũng được thống nhất với Indonesia; các cuộc đàm phán với Thái Lan và Malaysia đều đang được tiến hành.

Bất cập trong chính sách cùng những rủi ro tiềm ẩn

Trên thực tế, chính sách đối ngoại là nơi mà quyền lực tuyệt đối và khó dự đoán của Tổng thống UAE và người cai trị Abu Dhabi, Muhammad bin Zayed, được thể hiện rõ nhất. Sheikh Muhammad có thái độ thù địch với các biểu hiện chính trị của Hồi giáo và mong muốn định hình lại khu vực nhằm tăng cường ảnh hưởng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập. Để đạt được những mục đích đó, ông đã can thiệp vào các cuộc nội chiến ở Libya, Sudan và Yemen.

Tuy nhiên, ở cả ba nơi, chiến tranh vẫn tiếp diễn một cách không dứt điểm và ở cả ba, UAE đều có mâu thuẫn với các đồng minh thân cận như Mỹ hay Ả Rập Saudi.

Không chỉ chính sách đối ngoại, đôi khi các quyết định thiếu suy nghĩ của các nhà cầm quyền cùng những lần đặt cược kinh tế dù có tầm nhìn nhưng liều lĩnh, đã làm giảm uy tín của họ. Những vùng đất hoang vắng trải từ Dubai đến Abu Dhabi từng được dùng để xây dựng các công viên giải trí nhưng chưa bao giờ được sử dụng.

Cho đến nay, những sai sót như vậy vẫn chưa đủ lớn để gây lo lắng cho người dân hoặc nhà đầu tư của UAE. Nhưng khi nền kinh tế phát triển đa dạng hơn và những rối ren ngoại giao trở nên phức tạp, việc quản lý tất cả các lợi ích cạnh tranh trở thành một nhiệm vụ cần được xử lí cẩn trọng.

Khi lợi nhuận từ dầu mỏ không còn giúp UAE tăng trưởng về mặt kinh tế, họ cần tạo điều kiện để thu hút nguồn lao động và kinh doanh nước ngoài. Song song là tìm kiếm các nguồn thu nhập thay thế và cắt giảm chi phí. Do đó, Chính phủ đã áp dụng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản trợ cấp nhiên liệu đã được loại bỏ từ năm 2015. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cũng là điều không thể tránh khỏi.

Dần dần sẽ có càng nhiều người Ả Rập phải chuyển từ khu vực công sang tư nhân, nhưng lại không đủ trình độ chuyên môn. Học sinh ở đây đang bị bỏ lại phía sau so với các nước giàu có trong các kỳ thi chuẩn hóa, và có tỷ lệ bỏ học cao.

Thời đại mới cũng mang đến những nguy cơ tiềm ẩn. Sự chuyển đổi toàn cầu khỏi năng lượng hóa thạch, nếu xảy ra, sẽ gây sốc. Thêm vào đó, chính sách đối ngoại quả quyết sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho các liên minh của UAE. Đặc biệt, mối quan hệ với Ả Rập Xê-út có thể trở nên phức tạp và cạnh tranh hơn.

50 năm qua đã cho thấy rằng sẽ thật sai lầm nếu đặt cược chống lại Các Tiểu vương quốc Ả Rập, nhưng những thử thách khó khăn nhất vẫn còn phía trước.

>> Một quốc gia từng giàu ngang Dubai nay đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ, dân lái Mercedes đi xin ăn

Đối mặt siêu lạm phát, một quốc gia vừa tăng lãi suất cơ bản lên 40%

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-quoc-gia-bung-no-dang-kinh-ngac-huong-loi-lon-khi-the-gioi-hon-loan-212954.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một quốc gia bùng nổ đáng kinh ngạc, hưởng lợi lớn trong lúc thế giới hỗn loạn
    POWERED BY ONECMS & INTECH