Thế giới

Một thương vụ, hơn 70.000 việc làm và 14 tỷ USD: Thép Mỹ đổi chủ trong vỏ bọc ‘hợp tác’?

Thanh Lê 24/05/2025 12:15

Tổng thống Donald Trump vừa công bố một thỏa thuận hợp tác giữa US Steel và Tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản, trong đó ông cam kết sẽ giữ trụ sở của US Steel tại Pittsburgh. Thỏa thuận này cũng đi kèm với lời hứa thu hút khoản đầu tư lên tới 14 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.

Ông Trump cho biết trên mạng xã hội TruthSocial vào thứ Sáu rằng: “Đây sẽ là một mối quan hệ hợp tác có kế hoạch giữa United States Steel và Nippon Steel, dự kiến tạo ra ít nhất 70.000 việc làm và đóng góp thêm 14 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.”

Ông cũng nói thêm rằng phần lớn số tiền đầu tư sẽ được thực hiện trong vòng 14 tháng tới, và ông sẽ đến thăm một nhà máy thép vào tuần sau trong khuôn khổ một cuộc vận động quy mô lớn.

Tuy nhiên, bài đăng của ông Trump không làm rõ liệu đây có thực sự là một “đối tác chiến lược” hay chỉ đơn thuần là một thương vụ thâu tóm. Ông cũng không đề cập cụ thể US Steel sẽ giữ lại bao nhiêu quyền kiểm soát sau thỏa thuận này.

Một thương vụ, hơn 70.000 việc làm và 14 tỷ USD: Thép Mỹ đổi chủ trong vỏ bọc ‘hợp tác’? - ảnh 1
Nhà máy Edgar Thomas của Tập đoàn thép Hoa Kỳ tại Braddock, Pennsylvania

Trước đó, trong tuần cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã chặn thương vụ thâu tóm trị giá 14,3 tỷ USD này. Kể từ khi được công bố vào tháng 12/2023, thỏa thuận đã vấp phải làn sóng phản đối lưỡng đảng, do lo ngại việc một biểu tượng công nghiệp từng là niềm tự hào của nước Mỹ rơi vào tay nước ngoài.

Ông Trump lại có điểm chung hiếm hoi với ông Biden khi lên tiếng phản đối thương vụ này từ đầu nhiệm kỳ. “Tôi không muốn US Steel bị sở hữu bởi một quốc gia nước ngoài. Họ chỉ có thể đầu tư, chứ không được sở hữu”, Trump tuyên bố.

Tuy nhiên, đến tháng 3, chính quyền Trump đã ra tín hiệu nới lỏng lập trường khi nộp đơn đề nghị gia hạn thời hạn xử lý vụ kiện mà US Steel và Nippon Steel đệ trình nhằm phản đối sự can thiệp của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) – cơ quan chuyên rà soát các thương vụ có yếu tố nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia.

Theo Reuters, CFIUS đã bắt đầu xem xét thương vụ từ tháng 4 và vừa gửi khuyến nghị lên Tổng thống Trump trong tuần này, sau khi đánh giá liệu các biện pháp mà hai công ty đề xuất có đủ để giảm thiểu rủi ro an ninh hay không. Đáng chú ý, Nippon đã nâng cam kết đầu tư lên 14 tỷ USD, bao gồm cả kế hoạch xây dựng một nhà máy thép mới trị giá 4 tỷ USD tại Mỹ nếu thương vụ được thông qua.

US Steel từng là biểu tượng cho sức mạnh công nghiệp Mỹ khi trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có vốn hóa 1 tỷ USD sau khi thành lập năm 1901. Thép của công ty góp mặt trong mọi công trình biểu tượng của nước Mỹ – từ ô tô, thiết bị gia dụng đến cầu đường và các tòa nhà chọc trời.

Thế nhưng kể từ thời hậu Thế chiến II, US Steel đã dần tụt dốc. Hiện công ty chỉ sử dụng 14.000 lao động tại Mỹ, trong đó 11.000 là thành viên nghiệp đoàn United Steel Workers (USW), và không còn giữ vị trí dẫn đầu ngành thép Mỹ.

Tuy nhiên, tại bang chiến địa Pennsylvania – nơi đặt trụ sở US Steel – đây vẫn là biểu tượng có sức nặng chính trị mà không ứng viên nào muốn để rơi vào tay nước ngoài.

Trong tuyên bố mới nhất, công ty gọi ông Trump là “một nhà lãnh đạo táo bạo và doanh nhân thực thụ” và khẳng định: “US Steel sẽ vẫn là một công ty Mỹ, đồng thời phát triển mạnh mẽ hơn nhờ quan hệ đối tác với Nippon Steel, mang lại khoản đầu tư khổng lồ, công nghệ mới và hàng nghìn việc làm trong 4 năm tới”.

Dù vậy, thương vụ vẫn đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ nghiệp đoàn USW. Trong thông cáo hôm thứ 22/5, USW tuyên bố việc bán US Steel cho Nippon “sẽ là thảm họa cho người lao động ngành thép, an ninh quốc gia và tương lai của ngành sản xuất Mỹ”. Nghiệp đoàn kêu gọi Trump hiện thực hóa cam kết ngăn chặn thương vụ mà ông đã tuyên bố từ tháng 1/2024.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Pennsylvania, ông Dave McCormick lại ủng hộ thỏa thuận này, cho rằng đây là cách đảm bảo US Steel vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Mỹ – dù ông không nêu rõ các chi tiết cụ thể. Về phía đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ John Fetterman tiếp tục chỉ trích thỏa thuận gốc là “bản án tử hình” cho ngành thép Mỹ.

Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro cũng bày tỏ sự ủng hộ với thỏa thuận hợp tác, tiết lộ rằng ông đã trực tiếp trao đổi với ông Trump trong những ngày gần đây. “Tôi luôn nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là giữ và mở rộng việc làm tại Pennsylvania, đồng thời thu hút khoản đầu tư lớn nhất có thể cho tiểu bang,” ông nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

Cổ phiếu US Steel đã tăng vọt 21% trong phiên giao dịch ngày 23/5 ngay sau thông báo trên.

Theo CNN

>> Mỹ ‘ra đòn’, khách hàng lớn quay lưng: Trung Quốc có nguy cơ mất đơn hàng cực khủng vào tay Hàn Quốc?

Ngành thép Trung Quốc dư thừa sản lượng khủng, nợ lên đến gần 700 tỷ USD

Hai ‘gã khổng lồ’ ngành thép kiện ông Biden vì vụ sáp nhập gần 15 tỷ USD

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/mot-thuong-vu-hon-70000-viec-lam-va-14-ty-usd-thep-my-doi-chu-trong-vo-boc-hop-tac-143127.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Một thương vụ, hơn 70.000 việc làm và 14 tỷ USD: Thép Mỹ đổi chủ trong vỏ bọc ‘hợp tác’?
    POWERED BY ONECMS & INTECH