“Mùa tiêu dùng” cận kề, 2 cổ phiếu bán lẻ vào tầm ngắm chuyên gia
Quý 2/2023, DGW lãi 83 tỷ; MWG lãi nhẹ 39 tỷ đồng; PET lãi vỏn 4 tỷ vẹn; FRT lỗ 218 tỷ đồng. Với bức tranh kinh tế trở nên tươi sáng hơn, doanh nghiệp bán lẻ được kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm.
Triển vọng ngành bán lẻ
Tại báo cáo chiến lược mới nhất, Chứng khoán Maybank (MSVN) cho biết việc giảm lãi suất đang cải thiện tâm lý thị trường và thu hút các nhà đầu tư mới. Chỉ số VN-Index tăng 9,2% trong tháng 7/2023, đánh dấu tháng tăng thứ 3 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021.
Định giá thị trường (P/E) đã phục hồi hơn 50% trở lại mức trung bình 5 năm là 14,9 lần từ mức thấp nhất trong một thập kỷ. Do đó, nhóm phân tích nhận thấy có rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn và khuyến nghị giao dịch đầu tư ngắn hạn hoặc chờ điều chỉnh để tích lũy thêm cổ phiếu cho đầu tư dài hạn.
Được hỗ trợ bởi thị trường ngoại hối tương đối ổn định, MSVN cho rằng rủi ro lạm phát do giá gạo toàn cầu tăng nằm trong tầm kiểm soát, sẽ cho phép Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Hơn nữa, yếu tố mùa vụ của tiêu dùng nội địa sẽ củng cố cho sự phục hồi kinh tế trong những quý tới.
Theo nhóm phân tích, với tiêu dùng đóng góp 2/3 GDP của Việt Nam năm 2022, kết quả kinh doanh của ngành bán lẻ và các doanh nghiệp liên quan phản ánh phần nào bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế nói chung.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,72% so với cùng kỳ năm 2022, mức thấp thứ hai trong 10 năm qua. Các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết cũng bị sụt giảm doanh thu 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận giảm tới 80%. Trong đó, lợi nhuận MWG giảm 98%, còn FPT Retail bất ngờ lỗ lớn.
Tuy nhiên theo MSVN, báo cáo tài chính của MWG đã cho thấy triển vọng tươi sáng hơn cho ngành trong những quý cuối năm. Công ty duy trì số lượng nhân viên hơn 68.000 người vào cuối quý 2/2023, gần như không thay đổi so với quý trước sau khi giảm 6.000 nhân viên mỗi quý trong quý 4/2022 và quý 1/2023.
KQKD MWG |
Các doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng dự trữ hàng tồn kho trong quý 2/2023 sau khi giảm dự trữ hàng tồn kho trong 4 quý liên tiếp. Điều này báo hiệu tốt cho việc kinh doanh phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Điều đáng nói là tín dụng tiêu dùng cho thấy tốc độ thu hẹp chậm hơn nhiều trong quý 2/2023 so với các quý trước. FE Credit, nhà cho vay tiêu dùng lớn nhất, báo cáo dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ giảm 2% so với quý trước, thấp hơn mức giảm theo quý 10% và 15% lần lượt trong quý 1/2023 và quý 4/2022. Lãi suất trong nước giảm đã cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng, qua đó tăng khả năng chi tiêu .
Bên cạnh đó nửa cuối năm thường bận rộn hơn 6 tháng đầu năm đối với tiêu dùng không thiết yếu. Các nhà bán lẻ ô tô thường ghi nhận doanh số giảm sau kỳ nghỉ Tết dài đầu năm trước khi bắt đầu tăng sau giữa năm. Trong khi người tiêu dùng trong nước có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch và dịch vụ trong mùa hè, thì chi tiêu hàng hóa không thiết yếu thường cải thiện cho đến hết Tết Nguyên đán.
“Bất chấp suy thoái kinh tế đang diễn ra, chúng tôi kỳ vọng mẫu hình tiêu dùng có tính mùa vụ như vậy sẽ tiếp tục trong năm nay, giúp củng cố sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Chi tiêu cao hơn làm tăng thu nhập, từ đó nâng cao chi tiêu hơn nữa. Vòng lặp này sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trở lại với tốc độ 6-7% hàng năm vào năm 2024”, MSVN nhận định.
Cổ phiếu bán lẻ tiềm năng
Về triển vọng các cổ phiếu bán lẻ, MSVN lựa chọn PNJ và DGW. Trong đó, PNJ được đánh giá vượt trội so với các nhà bán lẻ niêm yết trong việc bảo vệ lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu suy yếu. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái và MSVN kỳ vọng sự phục hồi của tiêu dùng sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận PNJ tăng trưởng 5,4% trong năm 2023.
PNJ đang giao dịch ở mức P/E 2023/2024 lần lượt là 14x và 11x. Với P/E hiện tại là 15 lần, PNJ là cổ phiếu bán lẻ duy nhất còn giao dịch dưới mức P/E trung bình 5 năm. Cùng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2023-27 là 16%, nhóm phân tích cho rằng PNJ hiện đang có tỷ suất lợi nhuận/rủi ro tốt nhất cho hoạt động đầu tư giá trị.
Nguồn: DGW |
Đối với Digiworld (DGW), MSVN đánh giá là đây là doanh nghiệp vững chắc, có thế mạnh trong việc phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và đang trong quá trình mở rộng theo chiều ngang sang các phân khúc tiềm năng khác là thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng & chăm sóc sức khỏe và thiết bị công nghiệp.
Trong khi MWG chỉ lãi nhẹ 39 tỷ đồng, FRT lỗ nặng 218 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm thì DGW vẫn mang về lợi nhuận 162 tỷ đồng (giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái). Việc sở hữu mạng lưới phân phối cho các nhà bán lẻ cho doanh nghiệp (bao gồm cả công ty trong nước và FDI) và các tổ chức liên quan đến Nhà nước giúp DGW ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá khốc liệt.
Apple và Xiaomi là những sản phẩm đóng góp chính cho DGW. Mùa cao điểm sắp tới (máy tính xách tay cho mùa tựu trường, iPhone mới) và sự phục hồi tiêu thụ các sản phẩm trong phân khúc phổ thông dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà bán lẻ trong mảng này.