Mỹ bất ngờ dỡ bỏ trừng phạt đối với đường ống dẫn dầu quan trọng đi qua Nga
Giấy phép mới từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy dầu mỏ vẫn giữ vai trò quan trọng trong cán cân địa chính trị toàn cầu.
Washington khiến giới quan sát bất ngờ khi mới đây quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với một trong những dự án dầu khí có vai trò trọng yếu với thị trường năng lượng toàn cầu – tuyến đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC), vận chuyển dầu từ Kazakhstan qua lãnh thổ Nga ra Biển Đen.
Theo Reuters, ngày 15/5, Bộ Tài chính Mỹ đã cấp giấy phép đặc biệt số 124, cho phép khôi phục toàn bộ giao dịch từng bị chặn bởi lệnh cấm ngày 10/1 - vốn cấm các dịch vụ liên quan đến ngành dầu khí Nga.
Quyết định này mở đường cho nhiều ông lớn trong ngành như Chevron, ExxonMobil và các đối tác quốc tế tiếp tục hoạt động trong 2 dự án chiến lược: CPC và liên doanh Tengizchevroil (TCO).

CPC hiện quản lý hơn 1.500km đường ống, vận chuyển khoảng 80% sản lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan. Dự án có sự tham gia của nhiều cổ đông lớn: Nga (24% thông qua Transneft), Mỹ (Chevron, ExxonMobil), Kazakhstan (KazMunayGas) và Lukoil (Nga).
Trong khi đó, liên doanh TCO – đơn vị khai thác mỏ dầu Tengiz khổng lồ – có Chevron giữ 50%, ExxonMobil 25%, KazMunayGas 20% và Lukoil 5%.
Dù sắc lệnh hành pháp 14071 từng gây gián đoạn không nhỏ trong các hoạt động kỹ thuật tại những dự án này, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn linh hoạt đưa ra các miễn trừ để duy trì sự ổn định cho các chuỗi cung ứng năng lượng mang tính chiến lược toàn cầu.
Trước đó, giấy phép số 121 đã tạm thời “mở cửa” cho các hoạt động tại CPC và TCO đến hết ngày 28/6/2025. Tuy nhiên, giấy phép số 124 được xem là một cam kết rõ ràng hơn từ phía Washington: các doanh nghiệp có thể yên tâm tiếp tục tham gia mà không lo bị cuốn vào vòng xoáy trừng phạt.
Thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, phạm vi giấy phép bao gồm các hoạt động khoan, lọc dầu, vận chuyển và tiếp thị – miễn là gắn với hai dự án nêu trên.
Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh tuyến CPC từng phải ngưng hoạt động tạm thời đầu năm nay, sau hai vụ tấn công bằng máy bay không người lái được cho là do Ukraine thực hiện.
Sự cố xảy ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một thỏa thuận ngừng bắn một phần – cam kết không tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Việc Mỹ chủ động “mở khóa” cho dòng chảy dầu mỏ từ Kazakhstan đi qua Nga phản ánh sự ưu tiên về an ninh năng lượng, đồng thời cho thấy các lệnh cấm vận – dù cứng rắn – vẫn có thể được điều chỉnh khi lợi ích địa chính trị và kinh tế đặt ra những ưu tiên mới.
Theo Reuters
>> Mỹ chuẩn bị thâu tóm đường ống khí đốt cuối cùng của Nga tại châu Âu
Cuộc đua mới giành thế thống trị Bắc Cực giữa Nga và các nước NATO
Châu Âu nhất trí áp gói trừng phạt thứ 17 lên Nga, nhắm vào đội tàu chở dầu