Mỹ chuẩn bị thâu tóm đường ống khí đốt cuối cùng của Nga tại châu Âu
Quỹ Elliott Investment Management của Mỹ đang tiến gần đến thương vụ chiến lược tại Bulgaria, có thể mở đường cho sự tham gia của Washington vào mạng lưới năng lượng cuối cùng của Nga tại châu Âu
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, đường ống khí đốt TurkStream - tuyến vận chuyển khí đốt còn lại của Nga vào thị trường châu Âu - đang trở thành tâm điểm của các cuộc đàm phán đầu tư từ Quỹ Elliott Investment Management của Mỹ.
Theo Reuters, các quan chức Washington và Moscow đã tiến hành thảo luận về khả năng Mỹ hỗ trợ khôi phục hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Thông tin này được xác nhận bởi tám nguồn tin thân cận với tiến trình đàm phán.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, châu Âu đã triển khai chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Động thái này đã khiến tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga ghi nhận khoản lỗ lên đến 7 tỷ USD trong năm tiếp theo.
Theo hai nguồn tin, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và đại diện đầu tư của Tổng thống Putin, Kirill Dmitriev, đã đưa vấn đề khí đốt vào chương trình nghị sự trong khuôn khổ các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine. Khi được liên hệ, phía đại diện Witkoff từ chối đưa ra bình luận, trong khi Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga do Dmitriev lãnh đạo khẳng định: "Hiện tại không có cuộc thảo luận nào như vậy".
Báo Wall Street Journal tiết lộ Quỹ Elliott Investment Management đang cân nhắc phương án đầu tư vào phần mở rộng tại Bulgaria của đường ống TurkStream. Gói đầu tư tiềm năng có thể mở rộng bao gồm quyền tiếp cận hệ thống trung tâm dữ liệu, cáp dữ liệu và các cơ sở hạ tầng chiến lược khác.
Quỹ Elliott đã ký kết thỏa thuận bảo mật với Bulgartransgaz - đơn vị vận hành hệ thống khí đốt quốc gia Bulgaria. Đại diện quỹ đầu tư này đã gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của chính phủ Bulgaria tại Sofia vào tháng trước. Ngoài kế hoạch đầu tư hạ tầng, Elliott còn đang xem xét phương án tái cấu trúc nợ cho công ty này.
Các nguồn tin cho biết đàm phán hiện đang ở giai đoạn sơ khởi và chưa có bảo đảm sẽ đi đến thỏa thuận chính thức. Giá trị khoản đầu tư chưa được công bố.
TurkStream hiện là tuyến vận chuyển khí đốt duy nhất còn hoạt động từ Nga sang châu Âu, sau khi các đường ống chính khác bị ngưng hoạt động do xung đột Ukraine. Đường ống này băng qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi kết nối với Hungary, Slovakia và các quốc gia châu Âu khác.

Trước khi xung đột Ukraine bùng phát năm 2022, Liên bang Nga đã thống trị thị trường năng lượng châu Âu với vị thế nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu. Gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đặt các cơ hội hợp tác kinh tế vào vị trí trung tâm trong chiến lược tiếp cận với Moscow, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine. Động thái này mở ra triển vọng khôi phục quan hệ năng lượng Nga-phương Tây dưới sự bảo trợ của Washington.
Trong tuyên bố đáng chú ý hồi tháng 3/2025, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi tín hiệu tích cực về khả năng châu Âu tiếp cận nguồn khí đốt Nga với giá ưu đãi, nếu Moscow và Washington đạt được thỏa thuận năng lượng. Tuyến đường ống Nord Stream kết nối Nga-Đức bị phá hoại năm 2022 vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin. Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã xác nhận đầu năm nay rằng hai cường quốc đang thảo luận về phương án tái thiết cơ sở hạ tầng chiến lược này.
"Thỏa thuận tại Bulgaria có thể trở thành tiền lệ cho các dự án tương tự tại Ukraine và Đức. Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nguy cơ duy trì sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt từ Nga", Martin Vladimirov, chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ (Sofia) cảnh báo.
Quỹ Elliott Investment Management - đơn vị đang xem xét đầu tư vào hệ thống TurkStream tại Bulgaria - là một trong những tổ chức tài chính có tầm ảnh hưởng nhất phố Wall với danh mục quản lý tài sản vượt 70 tỷ USD. Quỹ đã gây tiếng vang lớn trong giới tài chính nhờ các khoản đầu tư chiến lược vào những tập đoàn hàng đầu như SoftBank, Honeywell và Starbucks.
Tỷ phú Paul Singer, nhà sáng lập Elliott, được biết đến là nhà tài trợ lớn cho Đảng Cộng hòa. Ông đã đóng góp 7,5 triệu USD cho các ủy ban vận động tranh cử liên quan đến chiến dịch tái đắc cử thành công của Tổng thống Donald Trump.
Nếu thương vụ đầu tư đường ống dẫn khí Bulgaria được hoàn tất, Elliott có thể thu về lợi nhuận đáng kể. Bulgaria hiện nhận khoảng 350 triệu USD hàng năm từ Nga để vận hành cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt. Đáng chú ý, lưu lượng khí đốt Nga qua tuyến TurkStream đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, khi các tuyến vận chuyển thay thế bị đình chỉ hoạt động.
Tham khảo Reuters, Wall Street Journa (WSJ)
>> Nga ‘chào hàng’ siêu dự án khí đốt: ‘Hãy mua khi giá vẫn còn rẻ’
Mỹ mở ‘cửa sau’ cho khí đốt Nga trở lại châu Âu: Cái bắt tay ngầm đổi lấy hòa bình cho Ukraine?
EU ra tối hậu thư, ấn định thời điểm hoàn toàn đoạn tuyệt khí đốt Nga