Thế giới

Nguy cơ đẩy Mỹ đến bờ vực không thể quay đầu, ông Trump sắp thả ‘quả bom’ trị giá hàng nghìn tỷ USD vào thị trường tài chính toàn cầu?

Đăng Đức 13/05/2025 16:27

Kế hoạch cắt giảm thuế sâu rộng trị giá hàng nghìn tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump sắp công bố không chỉ là đòn bẩy cho thu nhập của người Mỹ, mà còn là “quả bom” tài khóa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.

Kế hoạch gây tranh cãi của ông Trump bị cảnh báo khiến "nước Mỹ sống vượt quá khả năng của mình"

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đó là “dự luật to lớn và đẹp đẽ” sẽ cứu giúp hàng triệu việc làm và tăng thu nhập sau thuế cho người Mỹ lên đến 5.000 USD (gần 130 triệu đồng) mỗi năm.

Tuy nhiên, trong khi dư luận gần đây tập trung vào những biến động do chiến tranh thương mại gây ra thì gói cắt giảm thuế sâu rộng của “ông chủ Nhà Trắng” có thể sẽ là phép thử lớn hơn đối với niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

>> Mất trắng 750 triệu USD sau 3 tháng: Nông nghiệp Mỹ bắt đầu 'ngấm đòn' thuế quan

Nguy cơ đẩy Mỹ đến bờ vực không thể quay đầu, ông Trump sắp thả ‘quả bom’ trị giá hàng nghìn tỷ USD vào thị trường tài chính toàn cầu? - ảnh 1
Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin vào nước Mỹ - Ảnh: Jim Lo Scalzo/EPA-EFE/Shutterstock

Quốc hội Mỹ hiện vẫn chia rẽ sâu sắc không chỉ về quy mô của các khoản cắt giảm thuế mà còn về cách thức tài trợ cho chúng. Các nhà đầu tư trái phiếu đang theo dõi sát sao từng diễn biến của kế hoạch này.

Một điểm then chốt trong dự luật là đề xuất gia hạn vĩnh viễn Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (TCJA) được ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong đó giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% và giảm thuế thu nhập cá nhân cao nhất từ gần 40% xuống 37%. Các điều khoản này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, việc gia hạn đạo luật này có chi phí không hề rẻ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính rằng việc kéo dài hiệu lực của TCJA có thể khiến ngân sách liên bang hao hụt 4.600 tỷ USD trong 10 năm tới.

Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Trump còn công bố kế hoạch tiến xa hơn bằng cách đề xuất miễn thuế cho tiền boa (tiền tip) – một chính sách phổ biến có lợi cho nhân viên ngành dịch vụ ăn uống, nhưng theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), điều này có thể làm ngân sách nước Mỹ thiệt hại thêm 1.500 tỷ USD.

Không nghi ngờ gì, điều đó sẽ tạo thêm áp lực lên gánh nặng nợ công của Mỹ – điều mà Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Scott Bessent, 2 tuần trước thừa nhận đang trong “lộ trình không bền vững”.

>> Không chờ nổi Boeing, ông Trump ‘chốt đơn’ món quà đắt nhất lịch sử ngoại giao Mỹ từ đại gia vùng Vịnh

Hiện tại, Chính phủ Mỹ chi nhiều tiền để trả lãi nợ hơn là cho quốc phòng, với mức thâm hụt ngân sách quốc gia dự kiến vẫn ở mức gần 7%.

Ông Raghuram Rajan – cựu kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), người từng dự báo khủng hoảng tài chính năm 2008 cảnh báo rằng nước Mỹ đang sống vượt quá khả năng của mình.

“Chỉ riêng việc gia hạn TCJA sẽ không mở rộng thâm hụt”, ông Rajan nói. “Tuy nhiên, các đề xuất cắt giảm thuế bổ sung như miễn thuế cho tiền tip, tăng ca và an sinh xã hội đang được xem xét mà không có nguồn thu mới đáng kể hay cắt giảm chi tiêu tương ứng”.

“Những điều này sẽ đẩy nước Mỹ vào con đường tài khóa càng thêm mất kiểm soát. Nợ công hiện đã ở mức 98% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – cao hơn hầu hết các nước phát triển lớn, trừ Pháp, Italy và Nhật Bản”.

Giáo sư Rajan, hiện giảng dạy tại Đại học Chicago Booth, cho biết dù chính sách mới có thể làm tăng thu nhập cho người lao động, nhưng lại khiến Chính phủ Mỹ tốn kém nhiều hơn dự kiến mà không mang lại tăng trưởng kinh tế tương ứng.

“Chúng có thể giúp phân phối lại thu nhập, đặc biệt nếu tiền tip và làm thêm giờ không bị đánh thuế. Nhưng sẽ rất khó để kiểm soát cái gì thực sự là ‘tiền tip’ hay ‘làm thêm giờ’ không bị lạm dụng”, ông nhận xét.

Các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đồng tình với nhận định của Giáo sư Rajan. Phân tích dài hạn của TCJA cho thấy nếu được gia hạn, đạo luật này không chỉ làm tăng nợ quốc gia thêm 37.000 tỷ USD trong 3 thập kỷ tới, mà còn khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1,8% vào năm 2054 – tương đương 1.500 tỷ USD tính theo giá trị tiền mặt.

Nguyên nhân là vì tuy thuế thấp có thể mang lại “cú hích ngắn hạn”, nhưng gánh nặng nợ công sẽ cản trở tăng trưởng, đặc biệt qua chi phí lãi nợ ngày càng cao.

Ông Ken Rogoff – một cựu kinh tế trưởng khác của IMF chỉ ra rằng việc không gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 “sẽ bị coi là một đợt tăng thuế lớn và gây rối loạn”, khiến tâm lý thị trường xấu đi. Tuy nhiên, vị giáo sư Đại học Harvard này cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế có thể mang lại rủi ro.

“Mỹ có đủ khả năng không? Mỹ đang đi trên con đường nợ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến một đợt lạm phát lớn khác trong vài năm tới, dù điều đó có thể chỉ xảy ra sau cú sốc cấp độ đại dịch tiếp theo”.

Nguy cơ đẩy Mỹ đến bờ vực không thể quay đầu, ông Trump sắp thả ‘quả bom’ trị giá hàng nghìn tỷ USD vào thị trường tài chính toàn cầu? - ảnh 2
Việc gia hạn cắt giảm thuế sẽ đẩy nợ công của Mỹ lên cao - Ảnh: The Telegraph

Ông Rogoff nói thêm rằng thời kỳ lãi suất thấp đã kết thúc và giờ là lúc đối mặt với thực tế: “Nhiều chuyên gia từng phủ nhận điều này và cho rằng nợ là “bữa trưa miễn phí” giờ đã phải tỉnh ngộ.

“Khi cú sốc xảy ra, nó chắc chắn sẽ làm suy yếu vai trò trung tâm của đồng USD trong kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến thuế quan và việc coi thường pháp quyền của ông Trump đã gây ra tổn hại lâu dài”.

Câu hỏi về uy tín của nước Mỹ

Đó là một đánh giá gay gắt nhưng không hiếm gặp. Matthew Amis – quản lý trái phiếu tại Aberdeen Investments cảnh báo rằng việc xem nhẹ nỗ lực giảm nợ sẽ gây hậu quả. “Nó càng làm gia tăng câu hỏi về uy tín tài chính của Mỹ”, ông nói khi đề cập đến các mức thuế cao mà ông Trump công bố hôm 2/4, khiến chứng khoán, trái phiếu và đồng USD cùng lúc lao dốc.

Ông Amis nói: “Những gì chúng ta thấy trong tuần đầu tháng 4 khá giống với trường hợp của bà Liz Truss năm 2022, nó cho thấy thị trường trái phiếu phải ủng hộ bạn nếu bạn muốn đạt được mục tiêu.Bạn cần chứng minh rằng bạn kiểm soát được việc vay mượn. Không nhất thiết phải giảm mạnh nợ, nhưng bạn cần nhận thức rõ về nó”.

Ông cho biết biến động thị trường sau các mức thuế là một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng Mỹ “không miễn nhiễm với thị trường trái phiếu đầy biến động”.

“Chủ nghĩa ngoại lệ của họ đang bị đặt dấu hỏi”, ông Amis nói. “Họ không đặc biệt như họ tưởng.”

Với bối cảnh đó, Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy “dự luật to lớn và đẹp đẽ” của ông Trump.

Hiện tại, Đảng Cộng hòa nắm thế đa số mong manh với 53 ghế tại Thượng viện. 47 ghế còn lại, gồm 45 ghế của Đảng Dân chủ và 2 ghế độc lập.

Ban đầu, họ hứa hẹn với ông Trump sẽ hoàn tất dự luật trước Ngày Tưởng niệm (Memorial Day) trong tháng này, nhưng thời hạn đã được lùi đến ngày 4/7.

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa khẳng định rằng phần lớn khoản cắt giảm thuế có thể được bù đắp bằng doanh thu từ thuế quan cao hơn, cắt giảm chi tiêu và hủy bỏ các ưu đãi thuế “net-zero”. Nhưng tất cả đều gây tranh cãi.

Ví dụ, Ủy ban Năng lượng và Thương mại – đơn vị giám sát chương trình Medicaid (hỗ trợ người có thu nhập thấp trả viện phí) đã được giao nhiệm vụ cắt giảm 880 tỷ USD chi tiêu.

Các quan chức cho biết chương trình bảo hiểm này sẽ phải gánh phần lớn gánh nặng nếu muốn cân đối ngân sách. Nhưng điều đó là “không thể chấp nhận” với một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Một số người khác đưa ra yêu sách riêng. Thượng nghị sĩ Ron Johnson tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ nếu dự luật không cắt giảm chi tiêu về mức trước đại dịch Covid-19, trong khi nghị sĩ Rand Paul thề sẽ chặn bất kỳ dự luật nào khiến trần nợ tăng mạnh.

Dân biểu Thomas Massie cũng phản đối dự luật nào làm tăng vay nợ. “Gần như không có cửa nào để tôi bỏ phiếu ủng hộ điều này, vì không có cửa nào về việc họ sẽ hành xử có trách nhiệm tài khóa cả”,ông Massie nói với Washington Post.

IIF cũng cảnh báo rằng thuế quan có thể phản tác dụng và thậm chí “làm giảm doanh thu Chính phủ nếu dẫn đến các biện pháp trả đũa từ nước ngoài”.

Điều rõ ràng là Quốc hội Mỹ đang cạn dần cả thời gian lẫn lựa chọn.

“Không rõ làm thế nào để giảm thâm hụt mà không có quyết tâm của Quốc hội”, ông Rajan nói. “Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Nhưng hiện tại, đây không phải là trọng tâm của Quốc hội”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sự trì trệ sẽ dẫn đến hậu quả. Trong kịch bản tồi tệ nhất, người mua trái phiếu nước ngoài có thể quay lưng với nợ Mỹ – đặc biệt nếu có tin đồn về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mất tính độc lập, khả năng đánh thuế lên chủ nợ nước ngoài, hoặc thậm chí rủi ro đóng băng thanh toán với các Chính phủ bị coi là “thù địch”. Biến động đó có thể lan rộng, gây áp lực lên vốn ngân hàng.

Mặc dù ông cho rằng Fed có thể can thiệp bằng cách mua trái phiếu nếu cần, nhưng ngay cả biện pháp này cũng có giới hạn. “Fed có thể can thiệp, nhưng làm vậy trong bối cảnh lạm phát còn cao và chính sách tài khóa là nguyên nhân gốc rễ sẽ khiến nhiệm vụ của họ trở nên phức tạp”.

Theo The Telegraph

>> Tại sao Trung Quốc không vội vàng tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Mỹ?

Ông Trump vừa tuyên bố áp thuế nhập khẩu 100% với 1 mặt hàng đặc biệt, chuyên gia pháp lý cho rằng ông đã vi phạm luật pháp hiện hành

Nóng: Ông Trump tuyên bố đạt nhiều đồng thuận với Trung Quốc sau hàng giờ đàm phán kín

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nguy-co-day-my-den-bo-vuc-khong-the-quay-dau-ong-trump-sap-tha-qua-bom-tri-gia-hang-nghin-ty-usd-vao-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-142158.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nguy cơ đẩy Mỹ đến bờ vực không thể quay đầu, ông Trump sắp thả ‘quả bom’ trị giá hàng nghìn tỷ USD vào thị trường tài chính toàn cầu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH