Nằm ở vùng Tây Bắc, địa phương này có nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam

22-05-2023 09:14|Minh Anh

Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam nằm tại một tỉnh thuộc Trung du và miền núi phía Bắc - nơi chứa các thiết bị quan trắc với hơn 1.000 đầu cảm biến được lắp đặt.

Sơn La là địa phương có nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam

Hồ Thủy điện Sơn La có cao trình tích nước là 215 m với chiều dài hơn 120 km, điểm đầu từ đập thủy điện tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) và điểm cuối là thị xã Mường Lay (tỉnh Lai Châu), diện tích hồ chứa gần 225 km2, dung tích 9,26 tỷ m3.

Giai đoạn thi công cao điểm huy động tới 13 nghìn người. Để thi công nhà máy hơn 20.000 hộ dân của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di dời.

Thủy điện Sơn La là công trình có nhiều thiết bị quan trắc nhất, chia thành 7 mặt cắt, 1.028 cảm biến có nhiệm vụ khác nhau. Đặc biệt, 11 thiết bị đo địa chấn đặt tại các vị trí trọng yếu để thường xuyên kiểm tra thông tin an toàn đập. Có 6 máy biến áp có trọng lượng 280 tấn. Lúc thực hiện, 18 kiện của máy biến áp siêu trường siêu trọng từng trải qua cuộc di chuyển khó khăn về tới công trường an toàn, đúng tiến độ.

Đây cũng là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam sử dụng thiết bị tự động hóa nên tại mỗi phòng chức năng chỉ cần một đến hai kỹ sư giám sát. Điểm nhấn công nghệ là hệ thống truyền đóng cắt truyền dẫn kín, cho phép truyền dẫn dòng diện 500 kV vận hành trong không gian nhỏ.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, vào ngày 21/4/2023, nhà máy Thủy điện Sơn La vừa cán mốc sản lượng 100 tỷ kWh phát lên lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm qua, Thủy điện Sơn La đã giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phối hợp với các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đà thực hiện điều tiết hồ chứa, đảm bảo chống lũ cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Ngoài việc tích nước hồ phục vụ phát điện cho nhà máy, hồ Thủy điện Sơn La còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một vùng sinh thái, cảnh quan mới gắn với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng thượng nguồn sông Đà, mở ra một tiềm năng mới phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở vùng “biển hồ” Tây Bắc. Đồng thời, nhà máy thủy điện Sơn La góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ

Đặc biệt, hệ số khả dụng của các tổ máy Thủy điện Sơn La đạt mức cao nhất trong các nhà máy thủy điện trực thuộc EVN. Hiện nay, công tác sửa chữa lớn trung tu, đại tu các tổ máy đều thực hiện vượt tiến độ đề ra, rút ngắn thời gian dừng máy, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác quản trị thủy điện tiếp tục được tăng cường và mang lại hiệu quả.

Tiềm năng kinh tế từ nhà máy thủy điện Sơn La

Trên thực tế, Sơn La là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy điện lớn nhất cả nước. Năm 2022, UBND tỉnh Sơn La ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Công ty Thủy điện Sơn La đối với tỉnh Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.

Những đóng góp của Thủy điện Sơn La đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Sơn La khi đóng góp đến 1/4 ngân sách hàng năm của tỉnh. Cụ thể, năm 2022, Thủy điện Sơn là nộp 964 tỷ đồng cho ngân sách của tỉnh Sơn La.

Trong thời gian tới, mục tiêu tỉnh đề ra là đến năm 2024 hồ thuỷ điện Sơn La được đưa vào danh mục là khu du lịch tiềm năng phát triển thành du lịch quốc gia. Đến năm 2025, định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La theo hướng thành khu du lịch quốc gia.

Đến năm 2030, hoàn thành 50% các điều kiện công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2040, tổ chức công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Dự kiến khu du lịch nghỉ dưỡng thủy điện Sơn La sẽ thu về gần 7.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Xét về phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,71% so với năm 2021 (tăng 1,51 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra), GRDP bình quân đầu người ước đạt 48,96 triệu đồng/người/năm (vượt 1,96 triệu đồng so với kế hoạch). Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.550 tỷ đồng, vượt 20,5% dự toán Trung ương giao, bằng 100% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ngoài ra, Sơn La còn tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; cấp quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; đưa vào vận hành Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc; chuẩn bị đưa vào vận hành Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La.

Tiếp tục duy trì và phát triển về công nghiệp chế biến nông sản, tại tỉnh có mức tăng trưởng cao; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá so sánh) năm 2022 tăng 22,45% so với năm 2021. Các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả.

Năm 2023, tỉnh tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu gồm: 8 chỉ tiêu kinh tế; 13 chỉ tiêu xã hội và 7 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 52,4 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đó, Sơn La phát triển cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 30%, dịch vụ chiếm 40,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 184 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn (thu nội địa) đạt 4.800 tỷ đồng…

Đường hầm dẫn nước xuyên núi dài nhất Việt Nam, thuộc hệ thống nhà máy thủy điện 9.500 tỷ đồng

Phát triển kháng thể mới có khả năng điều trị nhiều loại ung thư khác nhau

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nam-o-vung-tay-bac-dia-phuong-nay-co-nha-may-thuy-dien-lon-nhat-viet-nam-183768.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nằm ở vùng Tây Bắc, địa phương này có nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH