Né các đòn thuế quan từ Mỹ, doanh nghiệp tôn mạ Top 3 Việt Nam rẽ hướng xuất khẩu sang châu Âu
Trước biến động thị trường, Nam Kim (NKG) lên kế hoạch kinh doanh 2025 theo hướng thận trọng, đặt mục tiêu đạt 23.000 tỷ đồng doanh thu và 440 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2025 tại TP. HCM.
Năm 2024, Nam Kim giữ vững vị thế Top 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tôn mạ tại Việt Nam, với tổng sản lượng bán hàng đạt 1,02 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ và vượt 2,3% kế hoạch. Trong đó, tôn mạ đạt 892.252 tấn, tăng 23,5%, còn ống thép giảm 5,9%, xuống 130.542 tấn.
Doanh thu cả năm đạt 20.707 tỷ đồng, tăng 11,2% và hoàn thành 98,6% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng, tăng 214,8% và vượt 32,8% mục tiêu đề ra.
Bước sang năm 2025, Nam Kim đánh giá ngành thép tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ cải thiện vẫn chưa thật sự rõ ràng. Trong khi đó, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu và các rào cản thương mại - đặc biệt là chính sách mới từ Mỹ - tiếp tục là thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu.
Trước bối cảnh này, HĐQT cho rằng chiến lược kinh doanh cần tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và chủ động ứng phó với các rào cản thương mại.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu đạt 23.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với kết quả thực hiện năm 2024. Sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,05 triệu tấn, nhỉnh hơn so với con số của năm trước.
![]() |
Nam Kim đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2025 |
Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2025, ban lãnh đạo Nam Kim xây dựng một loạt giải pháp chiến lược. Công ty sẽ tập trung tối ưu hóa nguồn lực nhằm nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí vận hành và xây dựng chính sách quản lý hàng tồn kho hợp lý. Đồng thời, Nam Kim chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và kiểm soát rủi ro biến động giá đầu vào.
Song song đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm tôn mạ cao cấp, phục vụ các lĩnh vực công nghiệp, ô tô và hàng gia dụng. Đặc biệt, Nam Kim sẽ tập trung đảm bảo tiến độ thi công Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ, với mục tiêu hoàn thành đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép Việt, trong đó có Nam Kim hiện đang đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường quốc tế. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết luận sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong đó, Tôn Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát - HPG), Nam Kim Steel... có biên độ áp mức thuế lên đến 49,42%. Cùng với đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn đang đối mặt với một cuộc điều tra song song về thuế chống trợ cấp (CVD) do DOC tiến hành.
Trước những rào cản thương mại từ Mỹ, Nam Kim định hướng mở rộng thị trường nội địa và tăng cường xuất khẩu, đặc biệt tập trung vào các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, nhằm thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bị Mỹ đánh thuế sơ bộ 59% trong vụ kiện CBPG thép mạ, Hoa Sen (HSG) lên tiếng 'không ảnh hưởng thêm'
Hết đường 'tuồn hàng', một đại gia thép Trung Quốc báo lỗ 25.000 tỷ đồng