Nền kinh tế hàng đầu châu Á đóng cửa nhà máy điện hạt nhân thứ 2, bắt đầu một tương lai phụ thuộc về năng lượng
Hòn đảo với nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á dự định ngừng hoạt động lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào tháng 5/2025.
Ngày 1/8 tới, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân thứ hai kể từ khi các lò phản ứng hạt nhân trên hòn đảo này đi vào hoạt động. Động thái này có thể khiến Đài Loan - tâm điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung năng lượng từ bên ngoài.
Việc đóng cửa lò phản ứng số 1 tại Nhà máy điện hạt nhân Maanshan ở cực Nam đảo Đài Loan diễn ra trong bối cảnh các nhà lập pháp vẫn đang tranh luận về việc có nên kéo dài tuổi thọ của các cơ sở năng lượng nguyên tử hiện có hay không. Hiện nay, năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 5% tổng mức sử dụng năng lượng của Đài Loan, trong khi than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chiếm tỷ trọng lớn.
An ninh năng lượng là vấn đề quan trọng đối với Đài Loan và ngành sản xuất chip do Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) dẫn đầu. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi Bắc Kinh, vốn coi hòn đảo này là lãnh thổ của mình, gây thêm áp lực lên Đài Bắc. Căng thẳng leo thang làm dấy lên lo ngại Trung Quốc có thể ngăn chặn nguồn cung cấp năng lượng của Đài Loan thông qua lệnh phong tỏa quân sự.
Tuy nhiên, sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011 đã khiến dư luận Đài Loan phản đối ngành công nghiệp này. Chính quyền Đài Loan cho biết không loại trừ khả năng tăng tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng tương lai, nhưng công nghệ này cần được cải thiện.
Lò phản ứng cuối cùng của Đài Loan, Maanshan 2, dự kiến đóng cửa vào tháng 5/2025. Cả lò phản ứng này và lò phản ứng đóng cửa cuối tuần này đều được lên kế hoạch ngừng hoạt động sau khoảng 40 năm sử dụng.
Lãnh đạo cơ quan hành pháp Đài Loan Cho Jung-tai phát biểu với báo giới ngày 17/7: "Nếu các công nghệ năng lượng hạt nhân mới có thể giải quyết được các vấn đề về an toàn và chất thải hạt nhân, đồng thời được quốc tế chấp nhận, chúng tôi sẽ rất cởi mở thảo luận về vấn đề này". Ông cho biết Đài Loan hiện sẽ tập trung mở rộng sử dụng khí đốt tự nhiên và giảm tiêu thụ than.
Động thái của Đài Loan đi ngược xu hướng toàn cầu về sự quan tâm mới đối với năng lượng hạt nhân - nguồn năng lượng không tạo ra khí thải nhà kính nhưng lại tạo ra chất thải độc hại có thể vẫn mang tính phóng xạ trong hàng thiên niên kỷ.
Các nhà lập pháp Đài Loan đã tranh luận nhiều giờ trong tháng này về việc có nên đảo ngược lộ trình loại bỏ hoàn toàn năng lượng nguyên tử hay không, tuy nhiên chưa có cuộc bỏ phiếu nào được thực hiện.
Việc sử dụng năng lượng hạt nhân từ lâu đã là nguồn gây tranh cãi giữa các đảng cầm quyền và đối lập tại Đài Loan. Khi Đảng Dân chủ Tiến bộ nhậm chức năm 2016, người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã tuyên bố mục tiêu loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2025, với cơ cấu năng lượng 50% khí đốt tự nhiên, 30% than và 20% năng lượng tái tạo. Ngược lại, các đảng đối lập ủng hộ việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân.
Đài Loan kỳ vọng năng lượng tái tạo sẽ chiếm một phần tư cơ cấu năng lượng vào năm 2030, tăng từ khoảng 12% trong năm nay. Tiêu thụ điện năng dự kiến sẽ tăng trung bình 2,8% mỗi năm đến năm 2033, do ngành AI thúc đẩy. Mặc dù hiện tại hòn đảo này có lượng điện dư thừa, theo ông Cho, sự tăng trưởng đó có thể làm giảm nguồn cung dư thừa trong những năm tới.
Theo TaiwanPlus News
>> Điện hạt nhân và uranium nhiên liệu sẽ bùng nổ nhờ công nghệ AI, các trader đổ xô vào 'mỏ vàng' mớ