Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất châu Á lung lay: Người dân vật lộn mưu sinh, tan ca 'thay áo' làm shipper chỉ mong kiếm thêm 200.000 đồng

Minh Lan 16/07/2025 12:01

Với thu nhập bị bóp nghẹt, Bắc Kinh đang gặp khó trong việc thực hiện cam kết thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, trong khi lo ngại gia tăng rằng tình trạng giảm phát kéo dài có thể làm tổn hại thêm nền kinh tế khi người dân trì hoãn chi tiêu.

Người lao động bị ảnh hưởng nặng nề

Nhân viên doanh nghiệp nhà nước Zhang Jinming đang phải làm thêm công việc giao đồ ăn ba tiếng mỗi tối sau giờ làm và cả cuối tuần để bù đắp cho việc thu nhập hàng tháng bị giảm 24%. Anh chia sẻ mình chỉ hy vọng không gặp đồng nghiệp trên đường.

Làm shipper bán thời gian trong khi vẫn làm ở doanh nghiệp nhà nước thì chẳng được xem là điều gì đáng tự hào”, Zhang chia sẻ. Doanh nghiệp bất động sản nơi anh làm việc hiện chỉ trả cho anh 4.200 nhân dân tệ/tháng (khoảng 15 triệu đồng), so với mức 5.500 nhân dân tệ trước đây.

Dù Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng bằng cách giữ cho các cảng biển và nhà máy hoạt động liên tục, nhu cầu thực tế yếu kém đã khiến lợi nhuận tụt dốc. Hệ quả là người lao động như Zhang phải chịu cảnh giảm lương và buộc phải làm thêm.

“Không còn cách nào khác. Việc giảm lương khiến tôi chịu áp lực nặng nề. Nhiều đồng nghiệp đã nghỉ việc, tôi phải gánh luôn phần việc của họ”, người đàn ông 30 tuổi nói, khi anh lái chiếc xe tay ga đến 11 giờ rưỡi đêm mỗi ngày, kiếm thêm được khoảng 60–70 tệ một buổi (200.000-250.000 đồng).

screenshot-2025-07-16-094929.png
Dù Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng bằng cách giữ cho các cảng biển và nhà máy hoạt động liên tục, nhu cầu thực tế yếu kém đã khiến lợi nhuận tụt dốc

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong quý II – một con số ấn tượng – cho thấy mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn đang cầm cự được trước thuế quan từ Mỹ. Nhưng bên dưới vẻ ngoài vững chãi đó là những rạn nứt ngày càng lớn.

Tình trạng chậm ký hợp đồng và thanh toán đang ngày càng phổ biến – không chỉ trong các ngành xuất khẩu chủ lực như ô tô và điện tử, mà còn lan rộng tới các doanh nghiệp dịch vụ công, nơi các chính quyền địa phương đang oằn mình vì nợ nần và buộc phải siết chặt chi tiêu để duy trì hoạt động của các nhà máy đang chịu sức ép từ thuế quan.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt để giành giật đơn hàng từ thị trường quốc tế – vốn đang thu hẹp vì căng thẳng thương mại toàn cầu – đang ăn mòn lợi nhuận của ngành công nghiệp. Điều này khiến giá xuất xưởng giảm sút, tạo ra áp lực giảm phát ngay cả khi sản lượng xuất khẩu vẫn tăng. Và chính người lao động là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất khi doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí.

Lợi nhuận và thu nhập suy giảm khiến nguồn thu thuế thu hẹp, buộc các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước như nơi Zhang làm việc phải thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, các khoản nợ xấu trong hệ thống tài chính ngày một tăng, do Chính phủ gây áp lực lên các ngân hàng phải mở rộng tín dụng.

Sự mất cân đối trong mô hình tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phần lớn bắt nguồn từ các chính sách ưu tiên khu vực xuất khẩu thay vì tiêu dùng nội địa.

Các nhà kinh tế lâu nay đã kêu gọi Bắc Kinh chuyển hướng hỗ trợ sang các ngành phục vụ trong nước như giáo dục và y tế, hoặc tăng tiêu dùng hộ gia đình. Ví dụ bằng cách tăng phúc lợi xã hội nếu không muốn tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm.

Ông Max Zenglein, chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Hội đồng Hội nghị châu Á, mô tả Trung Quốc là nền kinh tế “hai tốc độ” – công nghiệp mạnh nhưng tiêu dùng yếu và lưu ý rằng hai yếu tố này có liên quan mật thiết với nhau.

“Một số thách thức kinh tế như lợi nhuận thấp và áp lực giảm phát phần lớn bắt nguồn từ việc mở rộng năng lực sản xuất trong ngành chế tạo và công nghệ. Những gì đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại với Mỹ giờ đang phản hồi lại như một vấn đề nội tại”, ông Zenglein nói.

Chậm lương, sống nhờ bố mẹ

Anh Frank Huang, 28 tuổi, giáo viên tại thành phố Chongzuo – một đô thị hơn 2 triệu dân, thuộc khu vực Quảng Tây cho biết trường của anh đã không trả lương trong hai đến ba tháng, đang chờ chính quyền cấp kinh phí.

“Tôi chỉ biết chịu đựng, không dám nghỉ việc”, anh Huang nói. Anh phải sống nhờ vào bố mẹ khi khoản lương 5.000 tệ mỗi tháng không được trả. “Nếu tôi đã kết hôn, có khoản vay mua nhà, mua xe và con cái, thì áp lực sẽ không tưởng tượng nổi”, anh nói.

screenshot-2025-07-16-102634.png
Ảnh minh họa

Một cô giáo khác tại huyện Linquan, một vùng nông thôn với 1,5 triệu dân ở miền Đông Trung Quốc, cho biết cô chỉ nhận được khoản lương cơ bản 3.000 tệ/tháng. Phần lương theo hiệu suất – khoảng 16% tổng thu nhập – “liên tục bị trì hoãn”.

“Trừ đi tiền xăng, phí gửi xe và quản lý tòa nhà, số còn lại không đủ để mua đồ ăn. Tôi cảm thấy như mình sắp phải đi ăn xin. Nếu không có bố mẹ, tôi đã không sống nổi”, cô giáo này chia sẻ.

Hiện chưa có số liệu chính thức về tình trạng chậm lương trong khu vực công, nhưng ở khối doanh nghiệp công nghiệp, các khoản nợ thanh toán chậm đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt tại những lĩnh vực có sự hiện diện lớn của nhà nước, thông qua các chính sách công nghiệp ưu tiên hoặc sở hữu trực tiếp, như ngành dịch vụ tiện ích.

Nợ quá hạn trong ngành sản xuất máy tính, thiết bị truyền thông và điện tử – một trong những trọng tâm phát triển của Trung Quốc – đã tăng 16,6% trong năm tính đến tháng 5. Trong ngành sản xuất ô tô, con số này tăng 11,2%. Mức tăng này đều vượt xa mức trung bình 9% của toàn ngành. Ngành cấp nước và khí đốt cũng ghi nhận nợ quá hạn tăng 17,1% và 11,1%.

Tiêu dùng bị đình trệ

Với thu nhập bị bóp nghẹt, Bắc Kinh đang gặp khó trong việc thực hiện cam kết thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, trong khi lo ngại gia tăng rằng tình trạng giảm phát kéo dài có thể làm tổn hại thêm nền kinh tế khi người dân trì hoãn chi tiêu.

Huang Tingting đã nghỉ việc phục vụ quán ăn vào tháng trước, sau khi lượng khách và doanh số tại nhà hàng cũng như các cửa hàng xung quanh sụt giảm nghiêm trọng từ tháng 4, đỉnh điểm của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Chủ nhà hàng phản ứng bằng cách yêu cầu nhân viên nghỉ không lương bốn ngày mỗi tháng.

“Nhưng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt”, cô gái 20 tuổi đến từ tỉnh Giang Tô giải thích lý do nghỉ việc.

Trước kia, cô có thể tìm được việc mới trong một, hai ngày. Nhưng lần này, cô đã thất nghiệp từ tháng 6. Một nhà tuyển dụng cho biết vị trí cô ứng tuyển đã có hơn 10 ứng viên. “Thị trường việc làm năm nay còn tệ hơn cả năm ngoái”, Huang nói.

Tham khảo Reuters

>> Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: GDP quý II giảm tốc, thị trường bất động sản tiếp tục chìm trong khủng hoảng

Quốc gia châu Á đứng top 3 thế giới về sản xuất xe tăng, chỉ thua Nga và Trung Quốc

AI mới của Trung Quốc gây sốc: Lập trình giỏi hơn ChatGPT, giá rẻ chưa từng có

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-chau-a-lung-lay-nguoi-dan-vat-lon-muu-sinh-tan-ca-thay-ao-lam-shipper-chi-mong-kiem-them-200000-dong-146883.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn nhất châu Á lung lay: Người dân vật lộn mưu sinh, tan ca 'thay áo' làm shipper chỉ mong kiếm thêm 200.000 đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH