Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến vào đầu năm nay tuy nhiên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/4, GDP quý I/2024 của nước này đã tăng trưởng 5,3% so với một năm trước đó, cao hơn mức 4,6% của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến. So với quý trước, GDP nước này đã tăng 1,6% - tiếp tục vượt dự báo của Reuters là 1,4%.
Tháng trước, một cuộc khảo sát chính thức cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này đã tăng lần đầu tiên sau 6 tháng. Chỉ số PMI sản xuất Caixin/S&P cũng đạt mức cao nhất trong hơn một năm do nhu cầu ở nước ngoài tăng lên.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 vào khoảng 5% - điều mà nhiều nhà phân tích đánh giá là có phần “quá sức” và cần nhiều biện pháp kích thích hơn. Bởi lẽ, niềm tin người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp còn yếu, lĩnh vực bất động sản còn nhiều biến động, nợ chính quyền địa phương gia tăng và chi tiêu của khu vực tư nhân còn yếu.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng đang tăng cường các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và bền vững sau dịch bệnh. Được biết, chính phủ nước này đang dựa vào biện pháp xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp vực dậy nền kinh tế.
Tuần trước, Morgan Stanley đã nâng dự báo GDP thực tế năm 2024 của Trung Quốc lên 4,8%, từ mức dự đoán trước đó là 4,2%.
Một nhân viên tại nhà máy Trung Quốc |
Sản xuất công nghiệp trong tháng 3 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự đoán 6%. Doanh số bán lẻ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng 4,6%. Đầu tư tài sản cố định năm 2023 tăng 4,5%, cao hơn mức tăng 4,1% được dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố lớn giảm xuống còn 5,2%, chấm dứt chuỗi tăng kéo dài ba tháng.
Ngay sau khi dữ liệu được công bố, đồng nhân dân tệ đã mạnh hơn, hiện giao dịch ở mức 1 USD đổi 7,24 NDT.
Jeff Ng, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á tại SMBC ở Singapore nhận định: “Kết quả cho thấy kinh tế Trung Quốc phần nào đã đạt được mục tiêu. Động lực hiện tại có vẻ ổn định, bằng chứng là dữ liệu tháng 3 không có gì đáng ngạc nhiên”.
Tuy nhiên, dù nền kinh tế đã có một khởi đầu vững chắc trong năm nay, nhưng dữ liệu tháng 3 về xuất khẩu, lạm phát tiêu dùng vẫn cho thấy đà tăng trưởng có thể sẽ chững lại một lần nữa.
>> Ngư ông đắc lợi: Trung Quốc thay thế Nga bán kim loại cho cả thế giới sau lệnh cấm vận của Mỹ