Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% nhờ Chính phủ nỗ lực bơm tiền

17-01-2024 11:25|Phương Nhi

Tốc độ tăng trưởng này trùng với dự báo của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới, trong đó có Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Theo số liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay (17/1), GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2023, tăng so với mức 4,9% trong quý trước. Động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng là chi tiêu của chính phủ nhằm thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) hôm 16/1, Thủ tướng Lý Cường cũng cho biết Trung Quốc có thể đã tăng trưởng 5,2% năm ngoái, đạt mục tiêu GDP tăng 5% mà giới chức nước này đã đề ra.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% nhờ đầu tư công
GDP nền kinh tế lớn nhì thế giới đã tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2023

Đồng thời, tốc độ này trùng với dự báo của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới, trong đó có Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Năm 2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3% do các chính sách kiểm soát Covid-19 khắc nghiệt. Tốc độ này không đạt được mục tiêu đề ra cho năm ngoái là 5,5%.

Năm 2023, kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng bùng nổ sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc vẫn chịu sức ép từ khủng hoảng bất động sản kéo dài, niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp yếu, nợ chính quyền địa phương tăng cao và kinh tế toàn cầu trì trệ.

Số liệu công bố sáng 17/1 cũng cho thấy giá nhà mới tại 70 thành phố giảm 0,45% trong tháng 12 so với tháng trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2015. Giá nhà trên thị trường thứ cấp giảm 0,79%.

Đầu tư vào tài sản cố định năm 2023 tăng 3%, cao hơn dự báo. Dù vậy, đầu tư vào bất động sản lại giảm 9,6%.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% nhờ đầu tư công
Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một số biện pháp nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản đang suy yếu và triển khai nhiều gói kích thích như phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong quý IV/2023. Nguồn vốn được triển khai với mục tiêu tài trợ cho các dự án khắc phục thảm họa nhằm hỗ trợ các khu vực bị thiệt hại do lũ lụt và động đất. .

Dữ liệu trước đó cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% trong năm ngoái do nhu cầu yếu hơn từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu và Đông Nam Á. Nhập khẩu của nước này cũng giảm 5,5% do nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng như dầu thô và sản phẩm thép giảm.

Triển vọng kinh tế vĩ mô không chắc chắn khiến chi tiêu hộ gia đình sụt giảm, góp phần khiến giá tiêu dùng tăng khiêm tốn 0,2% vào năm 2023.

Ngân hàng Thế giới, trong đánh giá mới nhất về nền kinh tế toàn cầu vào ngày 9/1, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2024 do nhu cầu trong nước yếu hơn và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Sự suy giảm như vậy sẽ phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 4,5% trong năm nay, từ mức 5,1% vào năm 2023.

>> Nikkei: Bong bóng bất động sản có thể ‘phá hỏng’ mục tiêu tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc, việc vượt qua nền kinh tế Mỹ vẫn còn xa vời

Kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng mạnh từ việc ông lớn Zhongzhi phá sản

Những thách thức của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024

Nền kinh tế Trung Quốc đón nhận tín hiệu tích cực

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-trung-quoc-tang-truong-52-nho-dau-tu-cong-220215.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% nhờ Chính phủ nỗ lực bơm tiền
POWERED BY ONECMS & INTECH