Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên cả nước, Tập đoàn Dabaco đã thử nghiệm thành công vaccine Dacovac-ASF2 - vaccine thứ 3 của Việt Nam.
Theo Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến hết tháng 10 vừa qua, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố. Hơn 18.000 con lợn đã phải tiêu hủy. Trong đó dịch bệnh xảy ra dai dẳng nhất là tại tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La và Nghệ An…
Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng, lợn chết tràn lan gây ô nhiễm môi trường
Cục thú y cũng cho biết, dù ngành chăn nuôi ở các địa phương đã nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng đến lúc này số lợn chết vẫn chưa giảm. Thậm chí, một số gia đình chăn nuôi vứt trộm xác lợn chết xuống kênh, mương khiến xác lợn chết trương nổi kẹt vào những chiếc phao xích cứu sinh trên kênh tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cảnh tượng này gây ra rất nhiều hệ lụy. Số lượng xác lợn chết nhiều, có những con nặng cả tạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà gây khó cho cả công tác xử lý. Thậm chí, Nghệ An đã buộc phải huy động máy xúc trục vớt đem đi chôn lấp. Đặc biệt, kênh 18A8 dẫn nước về xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu còn có cả xác lợn chết trôi về từ kênh đào Yên Thành.
Kênh đào vốn là để lấy nước chăn nuôi và sinh hoạt. Ví dụ như 56km từ Đô Lương dẫn nước tưới cho gần 30 nghìn ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 4 huyện và một thị xã. Nếu những xác lợn nhiễm bệnh thả xuống đây thì khó có thể lường trước được hậu quả nguy hiểm.
Bài toán khó 100 năm của ngành chăn nuôi được giải quyết
Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi hoành hành, người chăn nuôi cũng đón tín hiệu tích cực là sau 4 năm trải qua dịch, cuối năm ngoái Việt Nam đã thương mại hóa và sản xuất thành công vaccine để phòng ngừa bệnh này. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tại Việt Nam đã có 2 loại vaccine phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi được cấp giấy chứng nhận lưu hành là NAVET-ASFVAC của Công ty thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC Việt Nam.
2 loại trên là vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên trên thế giới được cấp phép lưu hành sau hơn 100 năm loại dịch bệnh này xuất hiện trên thế giới.
Nhờ đi sớm trong nghiên cứu và thương mại hóa vaccine dịch tả lợn châu Phi, tính đến hết tháng 7 vừa qua, đã có hơn 650.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi được sản xuất. Vaccine dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất đã được xuất khẩu sang 5 quốc gia. Đó là Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ.
Năm 2019, cả nước đã bùng phát dịch tả lợn châu Phi với trên 8.500 ổ dịch tại toàn bộ 63 tỉnh, thành với tổng số lợn phải tiêu hủy gần 6 triệu con, gây thiệt hại trên 13.200 tỷ đồng. Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra trong các năm 2020, 2021, 2022, phải tiêu hủy số lợn lần lượt là hơn 86 nghìn con, 279 nghìn con, 60 nghìn con. Còn năm nay đến thời điểm hiện tại là hơn 18.000 con.
Việt Nam sắp có thêm vaccine dịch tả lợn châu Phi thứ 3 của Tập đoàn Dabaco
Ngày 4/9 vừa qua, tại Sóc Sơn, Hà Nội, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã kiểm tra tiến độ khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2. Đây là loại vaccine dịch tả lợn châu Phi thứ 3 đã được khảo nghiệm, đạt tiêu chuẩn có tên DACOVAC-ASF2. Vaccine này do Công ty TNHH Dược và Thú y Dacovet thuộc Tập đoàn Dabaco nghiên cứu và phát triển.
DACOVAC-ASF2 là mẫu vaccine dịch tả lợn Châu Phi nhược độc đông khô. Vaccine đã được thử nghiệm trên đàn lợn của Tập đoàn Dabaco và đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I.
Dabaco đã tiêm vắc xin tại 2 trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm: Trang trại lợn Cao Minh thuộc công ty Phát Đạt ở tỉnh Vĩnh Phúc và trang trại lợn Bùi Văn Toàn ở tỉnh Bắc Ninh. Mỗi trang trại tiêm vắc-xin cho 100 con lợn 4 và 8 tuần tuổi. Mỗi lứa tuổi 50 con. Hiện nay, vắc xin Dacovac-ASF2 đang được đăng ký thử nghiệm theo quy định hiện hành.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy vaccine đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 - 100% trên đàn lợn thí nghiệm. Hiện nay vacxin DACOVAC-ASF2 đang được khảo nghiệm để đăng ký lưu hành theo quy định.
Trong bản tin ngày 13/10 của tờ Pig Progress, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam Phùng Đức Tiến cho biết: “Dabaco vẫn cần xây dựng kịch bản đặc hữu và vai trò của vaccine trong kịch bản đó”. “Nhà sản xuất cần kiểm tra hiệu quả của vaccine trên lợn ở các độ tuổi khác nhau (4 tuần, 8 tuần, 12 tuần, v.v.).”
Ông Phùng Đức Tiến nói thêm rằng một thách thức khác là làm thế nào để quản lý đợt bùng phát ở các nhóm lợn khác nhau như lợn đực, lợn con hoặc lợn nái, cũng như các quy trình quản lý vắc xin ở cả trang trại quy mô lớn và quy mô nhỏ sau khi dịch bùng phát. Ông cũng nhấn mạnh rằng vì Dabaco không phải là công ty đầu tiên sản xuất vắc-xin chống lại ASF nên cách tiếp cận của họ phải toàn diện và thiết thực hơn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vấn đề về vaccine hiện đang được đặt lên hàng đầu. Dabaco cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu vắc xin. Hiện, vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Dabaco trong giai đoạn cuối cùng phê duyệt để sản xuất thương phẩm.
Trước đó, tháng 7 năm 2022, Dabaco đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin và nhà máy này cũng đang trong công đoạn hoàn thiện cuối cùng. Dabaco dù đi sau, nhưng lại chiếm ưu thế so với các đơn vị khác khi mới đây đã ký kết hợp tác với Winsun, giúp vaccin tiếp cận thị trường nhanh hơn.
Theo tờ Pig Progress, về mục đích thương mại vaccine, hiện tại, Dabaco là doanh nghiệp đang kỳ vọng sẽ có thể sản xuất quy mô lớn và thương mại hóa vắc xin Dacovac-ASF2 vào quý 4 năm 2023.
Ngoài vaccine dịch tả lợn Châu Phi, tháng 8/2023, Dabaco Việt Nam và Guangdong Winsun Bio Pharmaceutical đã tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin dùng trong thú y.
Theo thỏa thuận, WINSUN sẽ phối hợp chặt chẽ với DABACO tích cực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vaccine, chế phẩm sinh học khác dùng trong chăn nuôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam. Đồng thời WINSUN cử chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm để tư vấn, hỗ trợ sát sao DABACO trong quá trình xây dựng hoàn thiện Nhà máy sản xuất vaccine và triển khai các dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine mà DABACO đang thực hiện.
WINSUN được thành lập năm 2002, là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine tại thị trường Trung Quốc. Hiện, WINSUN thuộc TOP 10 doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm sinh học thú y hàng đầu Trung Quốc. Công ty có 17 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP.
Nhờ việc hợp tác sâu với doanh nghiệp đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, phân phối thuốc thú y, Dabaco sẽ rút ngắn thời gian gia nhập thị trường. Đặc biệt, Dabaco đang thúc đẩy vaccine dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh 100 năm nay trên đàn lợn. Một khi vaccine của Dabaco được phép bán thương phẩm, sự hợp tác với WINSUN được kỳ vọng sẽ giúp Dabaco tiến nhanh trong phân phối vaccine sang thị trường Trung Quốc là thị trường có đàn lợn nhiều nhất thế giới.
Vaccin dịch tả lợn Châu Phi của Dabaco (DBC) đã kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn
Cổ phiếu đáng chú ý ngày 13/11: DBC, VCG, NKG
Đối trọng của Dabaco (DBC) báo lãi tăng bằng lần, tổng đàn heo hơn nửa triệu con