Bất động sản

Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ xuất hiện một siêu thủ phủ công nghiệp mới

Nguyễn Thảo 01/05/2025 16:00

Hai vùng đất giàu truyền thống văn hóa và năng động bậc nhất về công nghiệp ở khu vực phía Bắc dự kiến sẽ tái hợp sau gần 3 thập kỷ. Việc hợp nhất này không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn mở ra một siêu thủ phủ công nghiệp mới cho khu vực phía Bắc.

Ngày 25/4/2025, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, các cử tri đã thống nhất thông qua: tán thành chủ trương sắp xếp, hợp nhất hai đơn vị hành chính tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh mới. Sự kiện sáp nhập này sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho vùng đất giàu truyền thống văn hóa và đầy tiềm năng công nghiệp này.

Sự tái hợp của hai vùng địa linh nhân kiệt

Hai địa phương Bắc Ninh và Bắc Giang vốn dĩ chia sẻ chung cội nguồn văn hóa – lịch sử khi đều thuộc trấn Kinh Bắc xưa, nơi sản sinh những giá trị văn hóa đặc sắc như dân ca Quan họ – di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, hay hàng trăm lễ hội truyền thống lâu đời. Trên phương diện hành chính, từ năm 1962 đến 1996, hai tỉnh từng được hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc trước khi tách ra vào năm 1997. Gần ba thập kỷ phát triển riêng rẽ, cả Bắc Giang và Bắc Ninh đã vươn mình trở thành những trung tâm công nghiệp năng động bậc nhất miền Bắc.

Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ xuất hiện một siêu thủ phủ công nghiệp mới- Ảnh 1.
Một góc tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Internet

Việc hợp nhất lần này có thể xem là sự trở về với cội nguồn, sự hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa đồng thời mở rộng không gian phát triển hiện đại. Theo ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh, đây là bước đi phù hợp về nhiều mặt, từ yếu tố lịch sử, văn hóa, quy mô dân số đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có diện tích tự nhiên hơn 4.718km2, dân số trên 3,6 triệu người, với 99 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm chính trị - hành chính dự kiến đặt tại thành phố Bắc Giang.

Bước tiến chiến lược: Hình thành “thủ phủ công nghiệp” mới của Việt Nam

Cả Bắc Ninh và Bắc Giang đều là những địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp trong nhiều năm qua. Bắc Ninh – dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước – từ lâu đã là "thủ phủ điện tử", cứ điểm sản xuất của các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, Amkor, Foxconn, Goertek… với 16 khu công nghiệp (12 KCN hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên 62%). Tỉnh này cũng đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều năm liên tiếp.

Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ xuất hiện một siêu thủ phủ công nghiệp mới- Ảnh 2.
Khu công nghiệp Samsung Bắc Ninh. Ảnh minh họa

Bắc Giang – ngôi sao đang lên của kinh tế Việt Nam – những năm gần đây luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GRDP (năm 2024 đạt 13,85%, quý I/2025 đạt 14,02%). Bắc Giang hiện có 16 khu công nghiệp, 55 cụm công nghiệp với quy mô ngày càng mở rộng. Theo quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 29 khu công nghiệp, tổng diện tích lên tới 7.000 ha.

Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới sẽ sở hữu nền kinh tế với quy mô GRDP đứng thứ 5 cả nước (chỉ sau TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai), đồng thời hình thành “siêu thủ phủ công nghiệp” của miền Bắc. Việc kết hợp thế mạnh của Bắc Ninh về công nghiệp điện tử công nghệ cao với lợi thế công nghiệp phụ trợ và logistics của Bắc Giang sẽ tạo nên chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh – từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Không gian phát triển công nghiệp được mở rộng, tính liên kết vùng cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn.

> > Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam thuộc diện sáp nhập vẫn được định hướng 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương sau sắp xếp

Vị trí chiến lược của tỉnh mới cũng là một lợi thế vàng. Nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Bắc Ninh mới sẽ là cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô, điểm nối trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – TP. HCM và trục giao thương xuyên Á Nam Ninh – Singapore. Điều này hứa hẹn thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, phát triển thương mại, dịch vụ và logistics trên quy mô toàn quốc và quốc tế.

Cú hích cho hạ tầng, đô thị và bất động sản

Không chỉ dừng lại ở công nghiệp, sự hợp nhất của hai tỉnh còn tạo ra đòn bẩy lớn cho hạ tầng, đô thị và thị trường bất động sản. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang và sẽ được triển khai như cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô, tuyến metro Hà Nội – Bắc Ninh… Những công trình này sẽ tăng cường khả năng kết nối nội vùng và liên vùng, giảm áp lực giao thông, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, dịch vụ và logistics.

Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ xuất hiện một siêu thủ phủ công nghiệp mới- Ảnh 3.
Phối cảnh Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc của Phú Mỹ Hưng tại Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Điều đó lý giải vì sao trong thời gian qua, Bắc Ninh và Bắc Giang liên tiếp đón nhận các siêu dự án bất động sản với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến như Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc của Phú Mỹ Hưng (diện tích gần 198 ha, tổng mức đầu tư hơn 27.145 tỷ đồng); các khu đô thị quy mô lớn do T&T Group đề xuất; dự án khu đô thị Tây Bắc TP. Bắc Ninh (270ha, vốn hơn 44.500 tỷ đồng) của Vingroup; hay chuỗi dự án nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí quy mô gần 300 ha của Sun Group. Sự đổ bộ của các “ông lớn” bất động sản không chỉ cho thấy niềm tin vào tiềm năng phát triển của vùng đất này, mà còn mở ra cơ hội kiến thiết những đô thị hiện đại, thông minh, đáng sống.

Hướng đến đô thị thông minh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo định hướng quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh mới không chỉ là trung tâm công nghiệp mà còn hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, hệ thống hạ tầng hiện đại, dư địa phát triển lớn cùng sự hội tụ văn hóa đậm đà bản sắc Kinh Bắc, Bắc Ninh mới hứa hẹn sẽ trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Thủ đô và cả nước.

Việc hợp nhất cũng giúp tối ưu hóa nguồn lực đầu tư công, đồng bộ hóa quy hoạch, tránh tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Đồng thời, Bắc Ninh mới sẽ có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh – quốc phòng, đóng vai trò là trung tâm trung chuyển, tiếp vận hàng hóa của Việt Nam và quốc tế.

Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ xuất hiện một siêu thủ phủ công nghiệp mới- Ảnh 4.
Một góc tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Một bước đi đúng thời điểm

Hơn nửa thế kỷ trước, Bắc Ninh và Bắc Giang từng hợp nhất thành Hà Bắc để đồng lòng xây dựng quê hương sau chiến tranh. Giờ đây, khi cả hai đã trưởng thành, vững mạnh, sự tái hợp không chỉ là sự trở về với cội nguồn mà còn là cái bắt tay chiến lược để cộng hưởng sức mạnh, bứt phá vươn lên tầm cao mới.

Với sự đồng thuận cao từ nhân dân hai tỉnh, sự quyết tâm của chính quyền và những tiềm năng to lớn đang chờ khai phá, tỉnh Bắc Ninh mới được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu về mô hình “siêu tỉnh công nghiệp”, “siêu thủ phủ công nghiệp” – nơi quá khứ văn hóa thăng hoa cùng tương lai công nghệ hiện đại. Một chương mới đã mở ra trên vùng đất Kinh Bắc đầy tự hào.

> > Huyện đảo đông dân nhất cả nước dự kiến sẽ trở thành một đặc khu hành chính mới

Huyện đảo đông dân nhất cả nước dự kiến sẽ trở thành một đặc khu hành chính mới

Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam có thể thay đổi vị trí sang địa phương khác sau khi sáp nhập tỉnh thành

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/neu-hai-tinh-nay-ve-chung-mot-nha-viet-nam-se-xuat-hien-mot-sieu-thu-phu-cong-nghiep-moi-202250501095755808.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, Việt Nam sẽ xuất hiện một siêu thủ phủ công nghiệp mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH