Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ báo lãi 5 tỷ USD sau 2 năm thâu tóm đế chế từng quản lý 1.400 tỷ USD bên bờ vực ‘sụp đổ’
Trước đó, thương vụ thâu tóm đế chế quản lý hơn 1.400 tỷ USD đã tạo nên một “gã khổng lồ” ngân hàng Thụy Sĩ với quy mô tài sản 1.700 tỷ USD và 120.000 nhân viên trên toàn cầu.
Sau gần hai năm kể từ khi buộc phải thâu tóm Credit Suisse để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính, UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - đã ghi nhận lợi nhuận ròng 5 tỷ USD trong năm 2024. Thương vụ lịch sử này không chỉ củng cố vị thế của UBS mà còn tạo ra một siêu ngân hàng với quy mô vượt xa nền kinh tế Thụy Sĩ.
Lợi nhuận vượt kỳ vọng, dấu ấn hồi phục của UBS
Ngày 4/2/2025, UBS công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với kết quả vượt kỳ vọng, ghi nhận lợi nhuận ròng 770 triệu USD, đảo ngược khoản lỗ 279 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý IV đạt 11,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ và vượt xa dự đoán của các nhà phân tích là 11,4 tỷ USD.
Hiệu suất kinh doanh này được thúc đẩy bởi hoạt động quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư - hai mảng chủ lực của UBS - trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự ổn định và khả năng ứng phó với khủng hoảng của UBS sau khi hoàn tất giai đoạn đầu tích hợp Credit Suisse.
Theo Tổng giám đốc điều hành Sergio Ermotti, UBS đã đạt nhiều cột mốc quan trọng trong quá trình sáp nhập, từ củng cố vị thế vốn vững chắc đến giảm thiểu rủi ro vận hành. "Năm 2024, chúng tôi không chỉ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ mà còn mở rộng thị phần trong lĩnh vực quản lý tài sản toàn cầu và ngân hàng đầu tư," ông Ermotti nhấn mạnh.
Logo UBS và Credit Suisse tại các tòa nhà ở Geneva. Ảnh: Reuters |
Credit Suisse: Từ đỉnh cao 1.400 tỷ USD đến sụp đổ
Từng là một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới, Credit Suisse đã quản lý khối tài sản khổng lồ trị giá tới 1.400 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, sự tự tin quá mức sau khủng hoảng tài chính 2008 cùng với việc chậm thích nghi với biến động ngành đã đẩy Credit Suisse vào tình trạng sụp đổ.
Ngân hàng này phụ thuộc quá nhiều vào mảng ngân hàng đầu tư - vốn ngày càng phát triển mất kiểm soát. Trong khi đó, lãnh đạo lại tỏ ra chậm chạp trong việc điều chỉnh chiến lược, khiến Credit Suisse không thể kiểm soát được rủi ro. Những sai lầm như khoản đầu tư thất bại vào Archegos Capital hay Greensill Capital càng làm trầm trọng thêm tình trạng tài chính của ngân hàng.
Khi cuộc khủng hoảng đạt đỉnh vào tháng 3/2023, Chính phủ Thụy Sĩ đã phải can thiệp bằng cách yêu cầu UBS mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD để tránh một cuộc khủng hoảng hệ thống. Thỏa thuận này đánh dấu chấm hết cho 167 năm tồn tại của Credit Suisse với tư cách là một tổ chức độc lập.
Nguồn: Tổng hợp, BSC Research |
Việc thâu tóm Credit Suisse đã biến UBS thành một siêu ngân hàng, nhưng cũng mang đến không ít thách thức. Tổng tài sản hợp nhất của UBS và Credit Suisse gần gấp đôi GDP của Thụy Sĩ, tạo nên những lo ngại về quy mô và rủi ro hệ thống.
Để tối ưu hóa hiệu quả, UBS đã triển khai chương trình cắt giảm chi phí quy mô lớn, bao gồm việc sa thải hơn 10.000 nhân viên kể từ năm 2023. Tính đến cuối năm 2024, tổng số nhân sự của UBS giảm xuống còn 108.648 người, so với mức đỉnh 119.100 vào tháng 6/2023.
Ngoài ra, UBS đã đạt được khoản tiết kiệm 7,5 tỷ USD trong tổng mục tiêu 13 tỷ USD nhờ tích hợp các hệ thống công nghệ của Credit Suisse. Quá trình này dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 14 tỷ USD, với phần lớn chi phí tập trung vào việc hợp nhất các nền tảng công nghệ và chuyển đổi dữ liệu.
Năm 2024, UBS đã chuyển thành công hơn 90% tài khoản khách hàng của Credit Suisse tại các thị trường lớn như Hong Kong, Singapore, Nhật Bản và Luxembourg sang hệ thống của mình. Đây là bước tiến lớn trong việc tích hợp hai ngân hàng.
Ngoài ra, UBS cũng tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần trong mảng quản lý tài sản và đầu tư. Những khách hàng lớn của Credit Suisse, bao gồm hoàng gia Arab và các tài phiệt Nga, đã được UBS giữ lại nhờ chiến lược tiếp cận hiệu quả và các dịch vụ tài chính tiên tiến.
Tuy nhiên, những mối lo ngại về sự tập trung quyền lực và quy mô khổng lồ của siêu ngân hàng này vẫn tồn tại. Một số chuyên gia cho rằng, nếu UBS gặp khó khăn, tác động đối với hệ thống tài chính toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, UBS vẫn còn một chặng đường dài để hoàn tất quá trình sáp nhập với Credit Suisse, dự kiến kéo dài đến cuối năm 2026. Sergio Ermotti khẳng định rằng ngân hàng sẽ tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành tài chính toàn cầu.
Thương vụ này không chỉ thay đổi cục diện ngành ngân hàng Thụy Sĩ mà còn để lại bài học đắt giá về quản trị rủi ro và tầm quan trọng của việc thích nghi với sự thay đổi. Đối với UBS, đây là cơ hội để khẳng định vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng, nhưng cũng là thách thức lớn đòi hỏi sự linh hoạt và chiến lược bền vững.
>> Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ ra mắt công cụ AI có thể quét 300.000 công ty chỉ trong 20 giây
UBS cảnh báo ông Trump sẽ thổi bùng lạm phát, lãi suất khó giảm như kỳ vọng
UBS: Thuế quan của ông Trump 'bóp nghẹt' đà phục hồi của siêu cường số 1 châu Á