Thế giới

Từ Intel đến TSMC và Nvidia, cổ phiếu chip toàn cầu 'đỏ lửa' vì bị bán tháo

Vũ Bấc 04/08/2024 07:35

Đà giảm của cổ phiếu Intel kéo theo sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu ngành bán dẫn toàn cầu giữa bối cảnh áp lực cạnh tranh gia tăng và chi phí đầu tư cho AI tăng vọt.

Cổ phiếu Intel đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong 50 năm qua vào ngày 2/8, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2013. Nguyên nhân đến từ báo cáo thu nhập không đạt kỳ vọng và thông báo cắt giảm chi phí lớn của nhà sản xuất chip này.

Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu Intel lao dốc 26% xuống còn 21,48 USD. Đây là ngày tồi tệ thứ hai trong lịch sử của cổ phiếu này, chỉ sau mức giảm 31% vào tháng 7/1974 - ba năm sau khi Intel IPO. Vốn hóa thị trường của công ty hiện chỉ còn dưới 100 tỷ USD.

Đợt bán tháo mạnh đã kéo chỉ số Nasdaq giảm 2,4% và ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu ngành bán dẫn toàn cầu. Tại Đài Loan, cổ phiếu TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - đóng cửa giảm 4,6%. Trong khi đó, Samsung - công ty bán dẫn bộ nhớ hàng đầu thế giới - cũng sụt hơn 4% khi kết thúc phiên giao dịch tại Hàn Quốc.

Ngành chip toàn cầu 'đỏ lửa' vì cổ phiếu Intel giảm mạnh nhất 50 năm - ảnh 1
Intel thông báo kế hoạch sa thải hơn 15.000 nhân viên, ngừng trả cổ tức vì tình kinh doanh ảm đạm

Kết quả kinh doanh trong quý II của của Intel không mấy khả quan. Công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 1,61 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 1,48 tỷ USD. Thu nhập điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu đạt 2 xu, thấp hơn nhiều so với dự báo 10 xu của các nhà phân tích theo LSEG. Doanh thu cũng không đạt kỳ vọng.

Intel thông báo sẽ không chi trả cổ tức trong quý IV/2024 và hạ dự báo chi tiêu vốn cả năm xuống hơn 20%. Công ty cũng sẽ sa thải hơn 15% nhân viên trong khuôn khổ kế hoạch cắt giảm chi phí trị giá 10 tỷ USD.

CEO Pat Gelsinger nhận định: "Đây là đợt tái cấu trúc quan trọng nhất của Intel kể từ cuộc chuyển đổi bộ vi xử lý bộ nhớ cách đây 40 năm. Chúng tôi đã vạch ra một lộ trình táo bạo để xây dựng lại công ty và chắc chắn sẽ thực hiện được điều đó".

Theo ông Gelsinger, quyết định sản xuất chip Core Ultra PC có khả năng xử lý công việc AI đã góp phần gây ra khoản lỗ. Công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, khi AMD, Qualcomm và các đối thủ khác nỗ lực giành thị phần từ Intel - công ty đang tụt hậu trong cuộc đua AI.

CEO Intel cũng cho biết việc cắt giảm nhân sự sẽ chủ yếu diễn ra trong năm nay. Đây được xem là đợt sa thải lớn nhất trong số các vụ cắt giảm việc làm được ghi nhận trên Layoffs.fyi - công cụ theo dõi ngành hoạt động từ tháng 3/2020.

Ngành sản xuất chip bị ảnh hưởng

Ngành chip toàn cầu 'đỏ lửa' vì cổ phiếu Intel giảm mạnh nhất 50 năm - ảnh 2
Đầu tư cho AI đã khiến các ông lớn công nghệ phải gánh khoản chi tiêu khổng lồ

Không chỉ áp lực từ thị trường chứng khoán, tờ The Information còn cho biết thêm về cuộc điều tra chống độc quyền của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhắm vào Nvidia - nhà sản xuất chip AI hàng đầu. Theo đó, Bộ Tư pháp đang xem xét các cáo buộc về việc Nvidia lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường AI.

Phản hồi về vấn đề này, người phát ngôn Nvidia khẳng định: "Chúng tôi chiến thắng nhờ năng lực. Thành công của công ty dựa trên nhiều thập kỷ đầu tư và đổi mới, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định pháp luật. Nvidia cung cấp sản phẩm công khai trên mọi nền tảng đám mây và tại chỗ cho tất cả doanh nghiệp, đảm bảo khách hàng có quyền lựa chọn giải pháp phù hợp nhất".

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SK Hynix - đối thủ của Samsung và là nhà cung cấp cho Nvidia - cũng giảm mạnh, đóng cửa ở mức thấp hơn 10%. Làn sóng bán tháo lan rộng sang châu Âu. Cổ phiếu ASML - công ty cung cấp thiết bị quan trọng cho sản xuất chip tiên tiến - suy giảm cùng với STMicroelectronics và Infineon.

Quỹ ETF VanEck Semiconductor, bao gồm nhiều tên tuổi lớn trong ngành, giảm 5,5% vào thứ Sáu sau khi đã lao dốc 6,5% ngày trước đó.

Tại thị trường Mỹ, cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML Holding giảm 6%. Chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR) của Arm Holdings - công ty thiết kế chip Anh và Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đều giảm 5%.

Tại Nhật Bản, Tokyo Electron - công ty sản xuất máy khắc cho các nhà máy bán dẫn - đóng cửa giảm 12%. SoftBank Group - sở hữu phần lớn cổ phần của Arm - cũng sụt 8%.

Cổ phiếu Amazon giảm khoảng 10% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa sau khi triển vọng doanh thu quý 3 không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích và chi tiêu cho AI tăng mạnh. Amazon đã chi 17,62 tỷ USD mua tài sản và thiết bị trong quý 2, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Meta Platforms, nhà đầu tư còn bán tháo cổ phiếu của các "gã khổng lồ công nghệ" khác như Microsoft và Alphabet do lo ngại chi tiêu quá mức cho công nghệ. Nvidia - một công ty AI được nhà đầu tư ưa chuộng khác - cũng giảm 5%.

Theo CNBC

>> Nvidia - Hành trình từ suýt phá sản đến cho cả Apple và Intel 'hít khói'

Intel lao đao, cổ phiếu tụt dốc 20%: Sa thải nhân viên hàng loạt, ngừng chia cổ tức

AMD thách thức ‘ngôi vương’ của Nvidia: Doanh số bán chip AI tăng 115%, cổ phiếu lập tức ‘bay’ cao

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nganh-chip-toan-cau-do-lua-vi-co-phieu-intel-giam-manh-nhat-50-nam-124943.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Từ Intel đến TSMC và Nvidia, cổ phiếu chip toàn cầu 'đỏ lửa' vì bị bán tháo
POWERED BY ONECMS & INTECH