Ngành học 'ngách' đang khát nhân lực tại Việt Nam, 4 năm ra trường lương gấp 5 lần mức trung bình
Ngành thẩm định giá đang dần khẳng định vị thế là một trong những ngành nghề mang tính chuyên môn cao, giàu tiềm năng phát triển và có mức thu nhập hấp dẫn tại Việt Nam.
Thẩm định giá là quá trình xác định giá trị thị trường của một tài sản tại thời điểm và trong điều kiện cụ thể. Khác với định giá cảm tính, công việc này đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, sự chính xác tuyệt đối và tuân thủ các quy chuẩn khắt khe về mặt pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Các chuyên viên thẩm định giá không chỉ là những người “định giá tài sản”, mà còn là cầu nối quan trọng trong việc minh bạch hóa thị trường, phòng ngừa rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực cho nền kinh tế.
Sự phát triển nhanh của các lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, xây dựng hay chứng khoán đã kéo theo nhu cầu thẩm định giá tăng cao. Từ góp vốn, vay ngân hàng, đấu giá, cổ phần hóa doanh nghiệp cho đến xác định giá trị tài sản trí tuệ – ở đâu có tài sản, ở đó cần đến thẩm định giá.
Mặc dù đóng vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế hiện đại, song thẩm định giá vẫn là một ngành học còn “lạ” với nhiều người và có rất ít cơ sở đào tạo chuyên sâu tại Việt Nam. Hiện nay, chỉ một số trường đại học có tuyển sinh ngành hoặc chuyên ngành liên quan như:
Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội): ngành Marketing – chuyên ngành Thẩm định giá.
Đại học Kinh tế TP.HCM: ngành Thẩm định giá và Quản trị tài sản.
Đại học Tài chính – Marketing (TP.HCM): ngành Bất động sản – chuyên ngành Thẩm định giá.
Các khối xét tuyển phổ biến gồm A00, A01, D01, D07, với mức điểm chuẩn dao động từ 22 đến 25 điểm.
![]() |
Điểm chuẩn ngành thẩm định giá dao động từ 22-25 điểm. Ảnh minh họa |
Chương trình đào tạo chú trọng cả lý thuyết và thực hành, tập trung vào 4 nhóm tài sản: bất động sản, động sản, doanh nghiệp và tài sản vô hình. Ngoài ra, sinh viên còn phải nắm vững các hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản… Kỹ năng tin học văn phòng, khả năng làm việc độc lập và chịu áp lực cũng là những yêu cầu không thể thiếu.
Dù còn mới, nhưng ngành thẩm định giá lại đang “khát” nhân lực được đào tạo bài bản. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các công ty thẩm định giá độc lập; phòng tài chính, địa chính cấp tỉnh/thành phố; doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, kiểm toán, ngân hàng, chứng khoán; văn phòng luật sư, sở hữu trí tuệ, kiểm định chất lượng.
Mức lương trung bình của một thẩm định viên tại Việt Nam hiện dao động từ 10–12 triệu đồng/tháng. Với 2–4 năm kinh nghiệm, thu nhập có thể lên đến 22 triệu đồng/tháng, thậm chí đạt 50 triệu đồng nếu làm ở vị trí cấp cao. Sinh viên mới ra trường thường nhận mức lương từ 7–10 triệu đồng/tháng, kèm theo cơ hội đào tạo nội bộ.