Ngành Xây dựng Thủ đô: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý
Những công trình có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tư nhân và vốn nước ngoài đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... làm thay đổi diện mạo của Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Trong những năm qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, soạn thảo, ban hành theo thẩm quyền, trình UBND TP ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả cao trong triển khai thực hiện. Nhằm thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong công tác thẩm định dự án, Sở Xây dựng đã tham mưu trình UBND TP Hà Nội ban hành các quyết định phân cấp, ủy quyền giải quyết công việc.
Cụ thể, phân cấp cho UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt các Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng do UBND cấp huyện quyết định đầu tư và sử dụng vốn ngân sách huyện; phân cấp cho các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phê duyệt thiết kế - dự toán công trình do UBND TP quyết định đầu tư và thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
Việc ủy quyền, phân cấp đã tạo sự chủ động, linh hoạt trong công tác chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc do giảm bớt thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định
Công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán là một khâu quan trọng trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình, đặc biệt đối với các dự án đầu tư công. Làm tốt công tác này sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí đầu tư, góp phần ngăn chặn và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định các dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng công trình từ nhóm B trở xuống sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách; các dự án nhóm A, thiết kế, dự toán công trình cấp I do UBND TP quyết định đầu tư; công trình công cộng từ cấp III trở lên, công trình xây dựng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng sử dụng vốn khác trên địa bàn TP.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước: Từ năm 2016 đến năm 2020, hơn 2.800 hồ sơ dự án, công trình đã được thẩm định với giá trị dự toán trình khoảng 118.774 tỷ đồng, giá trị dự toán sau thẩm định khoảng 111.539 tỷ đồng, giá trị dự toán giảm trừ tiết kiệm cho ngân sách được khoảng 7.235 tỷ đồng (tương đương 6,09%). Từ năm 2021 đến năm 2023, Sở Xây dựng đã thẩm định và điều chỉnh dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi 408 dự án; thẩm định và điều chỉnh thiết kế - dự toán 163 dự án; thẩm định và điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật 353 dự án.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khác: Sở Xây dựng đã tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn khác theo thẩm quyền phân cấp. Đảm bảo tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, các Nghị định của Chính phủ và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.
Tập trung vào công tác kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc lập dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình bao gồm: cơ cấu thành phần chi phí đầu tư, đơn giá định mức áp dụng, việc lựa chọn các vật liệu xây dựng, thiết bị công trình phù hợp theo các quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với môi trường.
Nhìn chung, công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán các công trình đã được thực hiện chặt chẽ tuân thủ các quy định của pháp luật; quá trình giải quyết hồ sơ luôn đảm bảo hoặc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian theo quy định. Góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm ngân sách; đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về an toàn kết cấu, chất lượng thi công và tuổi thọ công trình công trình trong quá trình khai thác sử dụng. Góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của TP Hà Nội.
Tăng cường cải cách hành chính
Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Sở Xây dựng đã nghiên cứu, rà soát và đề ra các giải pháp thực hiện công tác thẩm định đạt kết quả tốt nhất trên cơ sở cụ thể hóa các quy trình ISO, giúp các doanh nghiệp, tổ chức trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.
Cụ thể, thời gian thẩm định/điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng giảm từ 35 ngày còn 32 ngày (đối với dự án nhóm A); từ 25 ngày còn 22 ngày (đối với dự án nhóm B); từ 15 ngày còn 12 ngày (đối với dự án nhóm C). Tỷ lệ giảm từ 5,57 - 20% thời gian.
Thời gian thẩm định/điều chỉnh Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng giảm từ 40 ngày còn 35 ngày (đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I); từ 30 ngày còn 25 ngày (đối với công trình cấp II, III); từ 20 ngày còn 15 ngày (đối với các công trình còn lại). Tỷ lệ giảm từ 12,5 - 25% thời gian.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã nghiên cứu, ban hành các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Xây dựng, trong đó bao gồm: 4 quy trình nội giải quyết công việc trong công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; 1 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP ban hành.
Rà soát và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác phê duyệt dự án, cắt giảm thủ tục hành chính 21%. Giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 4 ngày (tương ứng 20%); 2 quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở được UBND TP phê duyệt.
>>Chủ tịch UBND TP Hà Nội: mỗi cán bộ, công chức phải nắm vững quy định của Luật Thủ đô