Xã hội

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á

Hải Châu 30/12/2024 15:21

Đây là một dự án phát triển sân bay quy mô lớn có thể biến thủ đô Phnom Penh của Campuchia thành "Singapore thứ 2" của khu vực.

Sớm “trình làng” sân bay lớn thứ 9 trên thế giới vào năm 2025

Sân bay quốc tế Techo Takhmao (TIA), hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện tại quận Takhmao, tỉnh Kandal, là một công trình lớn đầy kỳ vọng, sẽ đưa thủ đô Phnom Penh của Campuchia tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành "Singapore mới" của khu vực, theo thông tin từ Khmer Times trích dẫn bài viết của Daily Express (Anh).

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á - ảnh 1
Sân bay quốc tế Techo Takhmao là một dự án phát triển quy mô lớn có thể biến thủ đô Phnom Penh của Campuchia thành "Singapore thứ 2" của khu vực. Ảnh: Airport Technology

Sự phát triển vượt bậc của Singapore trong những năm qua có được nhờ vai trò trung tâm logistics toàn cầu, kết nối Đông và Tây. Tương tự, Campuchia được dự đoán sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trung tâm hậu cần quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và du lịch khi sân bay TIA trị giá 1,2 tỷ USD hoàn thành.

Sân bay TIA không chỉ được kỳ vọng là động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế Campuchia mà còn là chìa khóa giúp thủ đô Phnom Penh có thể cạnh tranh ngang tầm với Singapore trong khu vực ASEAN.

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á - ảnh 2
Sân bay quốc tế Techo Takhmao được xây dựng với chi phí 1,2 tỷ USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào nửa đầu năm 2025. Ảnh: Hello Angkor

Theo Daily Express, khi đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2025, sân bay TIA, tọa lạc gần thủ đô Phnom Penh, sẽ trở thành sân bay lớn thứ 9 trên thế giới, nâng cao vị thế của Campuchia trên trường quốc tế.

Tác động của sân bay TIA đối với nền kinh tế Campuchia sẽ tương tự như những khoản đầu tư chiến lược vào ngành hàng không tại các trung tâm thương mại và du lịch toàn cầu, điển hình là Singapore và Dubai (UAE).

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á - ảnh 3
Thiết kế của sân bay là hình ảnh tán cây, gợi nhớ đến những khu rừng nhiệt đới đặc trưng của Campuchia. Ảnh: Airport Technology

Sân bay Changi, biểu tượng của Singapore, mở cửa đón khách từ tháng 12/1981, đã trở thành một trung tâm hàng không quốc tế với hơn 100 hãng hàng không, kết nối các điểm đến từ Châu Á, Úc, Châu Phi, Châu Âu, Trung Đông đến Bắc Mỹ. Vai trò của Sân bay Changi đã góp phần tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong nền kinh tế Singapore.

Tương tự, sân bay quốc tế Dubai, khai trương vào năm 1960 sau hơn một thập kỷ xây dựng, đã tạo ra hơn 400.000 việc làm và đóng góp hơn 26 tỷ USD vào nền kinh tế của UAE, trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của quốc gia này. Trong những năm đầu hoạt động, sân bay Dubai đóng góp tới 27% GDP của UAE.

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á - ảnh 4
Sân bay TIA sẽ trở thành sân bay lớn thứ 9 trên thế giới. Ảnh: Storekonia

Sau thành công ấn tượng đó, UAE hiện đang triển khai xây dựng Sân bay quốc tế Al Maktoum, dự kiến sẽ trở thành sân bay lớn nhất thế giới với khả năng phục vụ lên đến 260 triệu hành khách mỗi năm.

Sự ra đời của sân bay TIA là bước đi quan trọng giúp Phnom Penh tiếp nối con đường phát triển của Singapore và Dubai. Cả hai thành phố này đã tận dụng sân bay như điểm kết nối chiến lược toàn cầu, thúc đẩy thương mại, du lịch và tạo động lực mạnh mẽ cho sự hồi sinh kinh tế của đất nước.

Tham vọng có “Singapore thứ 2” trong khu vực với khả năng phục vụ tới 50 triệu hành khách mỗi năm

Theo The B1M, Campuchia hiện là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và đứng thứ ba toàn châu Á về tốc độ tăng trưởng. Đất nước này đã trải qua sự phục hồi mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong ngành hàng không, khi ba sân bay quốc tế của Campuchia đã đón tổng cộng 3 triệu lượt hành khách trong nửa đầu năm 2024, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á - ảnh 5
Khi hoàn thành, sân bay quốc tế Techo Takhmao dự kiến sẽ có khả năng phục vụ lên đến 50 triệu hành khách mỗi năm. Ảnh: EAC News Cambodia

Khi hoàn thành, sân bay quốc tế Techo Takhmao (TIA) dự kiến sẽ có khả năng phục vụ lên đến 50 triệu hành khách mỗi năm. Dự án này, được công bố vào tháng 1/2018, đang được triển khai qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ góp phần nâng cao công suất và hiện đại hóa sân bay.

Giai đoạn đầu tiên, dự kiến hoàn tất và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2025, sẽ cho phép sân bay tiếp nhận từ 13-15 triệu hành khách cùng khoảng 175.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Với tiêu chuẩn cao nhất trong ngành hàng không quốc tế, TIA được thiết kế để tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất hiện nay nhờ vào đường băng dài hơn 3.000m, đáp ứng cả nhu cầu của máy bay chở khách và máy bay vận tải hàng hóa.

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á - ảnh 6
TIA được thiết kế để tiếp nhận các loại máy bay lớn nhất hiện nay nhờ vào đường băng dài hơn 3.000m. Ảnh: EAC News Cambodia

Giai đoạn hai, dự kiến hoàn thành vào năm 2030, sẽ mở rộng thêm một cánh nhà ga, nâng sức chứa hàng năm của sân bay lên 30 triệu hành khách. Cuối cùng, giai đoạn ba, dự kiến hoàn thiện vào năm 2050, sẽ giúp sân bay đạt công suất phục vụ 50 triệu hành khách mỗi năm, tương đương với lưu lượng hành khách hiện tại của sân bay Changi, Singapore, theo báo cáo của Daily Express.

Sân bay quốc tế Techo Takhmao (TIA) không chỉ chú trọng vào công nghệ hiện đại mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của Campuchia. Tương tự như sân bay Changi nổi tiếng của Singapore, TIA được thiết kế để phản ánh những đặc trưng văn hóa và phong cách kiến trúc độc đáo của đất nước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả và xây dựng xanh.

Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á - ảnh 7
Sân bay TIA tương tự như những khoản đầu tư chiến lược vào ngành hàng không tại các trung tâm thương mại và du lịch toàn cầu. Ảnh: EAC News Cambodia

Một điểm đặc biệt trong thiết kế của sân bay là hình ảnh tán cây, gợi nhớ đến những khu rừng nhiệt đới đặc trưng của Campuchia. Các yếu tố kiến trúc truyền thống, như mái tranh làm từ cây cọ, cũng được đưa vào thiết kế, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ với văn hóa địa phương.

Đặc biệt, sân bay áp dụng các kỹ thuật làm mát tự nhiên thông qua cấu trúc xếp chồng và khoảng hở giữa mái và tường. Thiết kế này giúp luồng không khí mát tự nhiên đi vào trong, đồng thời đẩy không khí nóng ra ngoài, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống điều hòa không khí, tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí vận hành. Việc áp dụng các phương pháp làm mát tự nhiên này không chỉ giúp sân bay đạt hiệu quả năng lượng cao mà còn tạo ra một môi trường thân thiện với cả thiên nhiên lẫn người sử dụng.

>> Siêu dự án sân bay lớn nhất châu Á trị giá hơn 18.000 tỷ đồng: Công suất 70 triệu hành khách/năm, dự kiến khai trương vào tháng 4/2025

Lộ diện sân bay trên đảo nhân tạo lớn nhất thế giới: Chi phí xây dựng 110.000 tỷ, có thể đón 80 triệu khách/năm

Sân bay lớn nhất Việt Nam đẩy nhanh tiến độ về đích trước hạn

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ngay-nam-sau-san-bay-lon-thu-9-the-gioi-tai-campuchia-chinh-thuc-di-vao-hoat-dong-tham-vong-thanh-singapore-thu-2-o-dong-nam-a-133582.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngay năm sau, sân bay lớn thứ 9 thế giới tại Campuchia chính thức đi vào hoạt động, tham vọng thành ‘Singapore thứ 2’ ở Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH